Dân Việt

"Tội đồ" khiến lãi suất cho vay tăng

Trần Giang 24/02/2017 08:32 GMT+7
Lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng lên khi có một vài doanh nghiệp nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất trong tháng tới của ngân hàng. Thậm chí, có vài ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay cá nhân lên 11%/năm, cho vay sản xuất 7- 10%/năm...

img

Lãi suất cho vay đã được điều chỉnh tăng lên 11%/năm

Việc lãi suất cho vay tăng khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu với phương án kinh doanh trong năm 2017, khi mà nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng được dự báo tăng lên như giá dầu, giá điện...

Tội đồ là Thông tư 39?

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5%-1%/năm trong năm 2017. Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất cho vay khó “nằm im” là Thông tư 39/2016 của NHNN có hiệu lực từ ngày 15.3 tới.

Một trong điểm mới về lãi suất cho vay của Thông tư 39, đó là: “Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của người vay; trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng thì lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng Thông tư 39 không phải là nguyên nhân gây ảnh hưởng, mà chỉ là trùng thời điểm thôi.

“Thực tế, trước khi Thông tư 39 có hiệu lực thì trong nhiều năm nay thì các ngân hàng cho vay đã không bị hạn chế bởi trần lãi suất. Trần lãi suất chỉ diễn ra trong hoạt động tín dụng chỉ định, cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Còn các khoản  cho vay khác, kể cả cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng thì lãi suất cho vay đã được tự do hoá trên cơ sở đó là thoả thuận trên hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và người vay”, ông Thành bình luận.

Theo ông Thành, việc ban hành Thông tư 39 chỉ là sự thống nhất một loạt quyết định của NHNN về hoạt động tín dụng trước đây.

“Trước đây các hoạt động tín dụng của ngân hàng nằm dải rác tại các quyết định của NHNN thì bây giờ nó được thay thế bởi Thông tư 39. Còn áp lực gây lãi suất tăng vẫn là yếu tố vĩ mô chứ không phải là quy định ràng buộc của NHNN”, ông Thành bình luận.

Ba áp lực đẩy lãi suất tăng

Ông Thành, cho rằng xu hướng lãi suất trong năm nay là tăng lên nhưng không phải là sự tăng mạnh, chỉ khoảng 0,5% trở xuống.

“Có ba nguyên nhân đẩy lãi suất cho vay tăng lên, đó là áp lực lạm phát, tương quan giữa lãi suất USD và VND, lãi suất huy động được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng”, ông Thành phân tích.

Ông Thành nhấn mạnh tới áp lực lạm phát, mặc dù không phải là lớn nhưng xu hướng chỉ số giá tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm và trong tháng 1.2017 là khá rõ. Cụ thể tháng 1.2017 tăng 0,46% so với tháng 12, so với cùng kỳ năm ngoái là 5,2%, tức là cao hơn 5%. “Đấy là yếu tố quan trọng thứ nhất, bởi xu hướng lãi suất sẽ đi theo lạm phát. Nên lạm phát nhích lên thì lãi suất cũng sẽ tăng”.

img

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Trường Đại học Fulbright Việt Nam

Áp lực thứ hai, đó là tương quan giữa lãi suất USD và VND. Dự đoán chung của thị trường tài chính thế giới là lãi suất USD sẽ tăng trong năm nay khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD tăng trong năm nay. “Như vậy, lãi suất VND sẽ tăng theo lãi suất của USD bởi Ngân hàng Nhà nước cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD”, ông Thành nhận định.

Một áp lực nữa, đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Mặc dù tính chung toàn hệ thống thì thanh khoản của các ngân hàng ổn định, nhưng tính thanh khoản của từng ngân hàng trong hệ thống là rất khác nhau.

“Thời gian vừa qua, nhất là dịp tết, một số ngân hàng cũng có bị ảnh hưởng bởi thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng cũng có biến động. Điều này buộc ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất huy động. Khi lãi suất đầu vào tăng thì các ngân hàng sẽ phải gửi tín hiệu đến cho người vay về việc điều chỉnh lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây chỉ là tín hiệu ở những ngân hàng nhỏ”, ông Thành bình luận.

Thực tế, lãi suất liên ngân hàng những ngày gần đây có xu hướng tăng mạnh với biên độ từ 0,82% đến 1,28%. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,28%, đạt mức 4,01%/năm; kỳ hạn một tuần tăng 1,14%, đạt 4,13%/năm; kỳ hạn hai tuần tăng 0,82% lên mức 4,02%/năm.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng cũng đồng loạt tăng thêm từ 0,1 – 1,2%/năm cho tiền gửi ở một số kỳ hạn ngắn.

Ở khía cạnh điều hành chính sách, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ sao cho lãi suất VND không tăng. “Vì vậy định hướng của Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Ngoài ra, đối với cả định hướng trong năm 2017 vẫn là kiểm soát lạm phát”, ông Thành bình luận.

Ông Thành cũng cho rằng nếu thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng thành công thì sẽ là hỗ trợ rất lớn cho việc giảm mặt bằng lãi suất. “Đầu tiên sẽ là giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được tín dụng tốt hơn và sau đó là mặt bằng lãi suất thấp hơn nếu giải quyết được nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng”, ông Thành phân tích.