Lãng phí vì học xong không xuất cảnh
Theo ông Dương Văn Năm ở xã Pắc Ta (Tân Uyên), con trai ông là Dương Văn Phái đã học xong tiếng nhưng do sự cố tại Libya nên chưa đi XKLĐ được. “Hiện nó vẫn ở nhà làm ruộng, chưa có việc gì khác để làm thêm. Nhưng học để đi nữa thì ngại rủi ro”- ông Năm nói.
Cán bộ LĐTBXH vận động bà con ở xã Pắc Ta đi xuất khẩu lao động. |
Ông Nguyễn Thanh Văn – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên (Lai Châu) cho biết, từ khi triển khai Quyết định 71 (phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ) mới có 67 người đăng ký tham gia và đến nay mới có 5 người đi XKLĐ, 16 người đạt tiêu chuẩn đi Libya nhưng vì tình hình chính trị phải tạm dừng, đến nay vẫn chưa có thị trường mới nên nhiều người đã xây dựng gia đình và có thể không tiếp tục đi nữa. Số kinh phí ngân sách bỏ ra cho lao động ăn học là không nhỏ nên việc họ không xuất cảnh đã gây lãng phí thời gian của lao động, tiền bạc của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lai Châu, mặc dù tỉnh có 5 huyện nghèo nằm trong số 62 huyện nghèo của cả nước được hỗ trợ theo Quyết định 71 về XKLĐ nhưng thực tế kết quả đạt được còn rất “khiêm tốn”.
Mục tiêu đặt ra của tỉnh là mỗi năm đưa 200 - 300 người đi XKLĐ, nhưng sau 2 năm thực hiện Quyết định 71, trên địa bàn 5 huyện mới chỉ có 82 người đi XKLĐ với duy nhất một công ty thực hiện đạt kết quả là Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế Thương mại (SONA). Con số vận động được thì nhiều (315 người), con số đi được thì khiêm tốn (82 người), nhưng ngay cả số đi được cũng gặp rủi ro với sự cố Libya khiến bà con ngán ngại, không muốn đi XKLĐ.
Ông Nguyễn Lương Đoàn – Phó Trưởng phòng XKLĐ - Công ty SONA bày tỏ: “Năm 2010, công ty đã đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho 150 lao động và thực hiện tất cả các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng sau đó có tới 69 người bỏ cuộc (không xuất cảnh), số xuất cảnh được thì có nhiều người phải về nước trước hạn nên năm nay, dù có đơn hàng tốt cũng rất khó tuyển lao động”.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, để thực hiện Quyết định 71, hiện Cục đã chỉ đạo các doanh nghiệp XKLĐ thay thế thị trường lao động Libya bằng các thị trường lao động khác như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, vấn đề tạo việc làm từ XKLĐ vẫn đang thực hiện bình thường. Việc quan trọng hiện nay là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, mặc dù kinh phí hỗ trợ tuyên truyền của Quyết định 71 đã được phân bổ theo kinh phí chung của Chương trình 30a nhưng “Sở Tài chính phân bổ sang các chương trình khác, hiện không có kinh phí này”. Ngoài ra, để tạo niềm tin và điều kiện tốt cho bà con đi XKLĐ, cần điều chỉnh một số quy định như: Tăng tiền ăn cho lao động nghèo (hiện lao động được hỗ trợ 40.000 đồng tiền ăn/ngày); tăng thời gian đào tạo, tuyển chọn từ 5 - 6 tháng (hiện chỉ đào tạo 2-3 tháng) vì ở Lai Châu đa phần người lao động có trình độ thấp, không biết tiếng phổ thông…
Ông Phạm Sơn Hà - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà - một doanh nghiệp XKLĐ đang tổ chức tuyển dụng tại Lai Châu bày tỏ: “Khi lao động đã khám sức khoẻ xong rồi, chúng tôi mong Ngân hàng Chính sách xã hội cho phép ký hợp đồng nguyên tắc để cho vay vốn trước. Trong thời gian đó chúng tôi sẽ làm visa cho người lao động. Nếu cứ theo nguyên tắc phải có visa mới vay vốn được thì sẽ rất khó”.
Thanh Xuân