Dân Việt

Đã mắt ngắm những "vườn" rau mầm ở Trường Sa

Dương Công Hợp 27/02/2017 13:45 GMT+7
Ẩn đằng sau mỗi loài cây, loài rau ở xứ đảo này là một câu chuyện kể về sự thích nghi với khí hậu, sự dung dưỡng của bàn tay người lính đảo. Những thứ “đặc sản” riêng có ở xứ mặn mòi biển cả Trường Sa sẽ vỡ vạc thêm cho chúng ta rất nhiều về cung cách sống, cung cách ứng xử của con người với tự nhiên giữa trùng dương sóng gió này.

Bữa cơm trưa ở đảo Đá Lớn B giữa những người lính đảo và những người con của đất liền ấm tình và đủ đầy thức vị. Những loài cá biển do lính đảo đánh bắt được thoạt nghe đến cái tên đã lạ và hào hứng: cá bò bọc thép, cá bò đuôi đỏ, cá bò sừng trâu, và đặc biệt loài đặc sản của xứ đảo chìm này là ốc nhảy.

img

Hướng dẫn tân binh chăm sóc rau xanh.

Thì ra, cái địa hình lổn nhổn những đá ngầm, san hô ngầm kia là nơi nương náu, là môi trường sinh sống lý tưởng của loài ốc này. Hết xuýt xoa lẫn ngạc nhiên về những giống loài lần đầu được nghe tên và nếm thử, khách bỗng dừng đũa trước dĩa rau khoai lang luộc khá khiêm tốn.

Không hẳn vì dĩa rau ít ỏi, khiến cho những vị khách từ đất liền phải chạm nhẹ, nâng niu từng cọng một, rồi mới đưa lên miệng thưởng thức, mà còn vì những ô vuông rau xanh nhọc nhằn, được khoanh bao bịt bùng mà chúng tôi đã được dẫn đi tham quan trước đó. Gió biển, nước biển, mưa biển và cả khí biển nơi đây có thể đe dọa, phá hoại những ô vuông với đủ loại rau này. Không phải là một vườn rau, mà chính xác hơn là những chậu rau.

Một kiểu trồng rau không phải tràn ra cả trên mặt đất như ở trên đất liền, mà trong các chậu, bình xi-măng lẫn com-po-sit. Trung úy, Chính trị viên đảo chìm Đá Lớn B Nguyễn Đình Sơn cho tôi hay: Đây là kiểu vườn rau di động. Hễ cứ gió mưa chiều nào là lính đảo xoay sang chiều khác. Trồng rau cứ như nuôi con mọn ấy.

Đặc biệt là các thứ rau mầm. Cứ mỗi ngày, lính đảo lại phải dành 1 giờ đồng hồ cho việc tăng gia sản xuất. Vườn rau gần 80m2, với đủ loại, nào cải xanh, mồng tơi, rau muống, rau mùi... Bây giờ, nước ngọt tưới rau dù chỉ nhỏ giọt, nhưng vẫn còn đủ chán so với trước đây, người còn phải dè sẻn để dành nước cho rau nữa cơ đấy. Vì vậy, rau ở đây là một thứ “đặc sản”. Mỗi bữa, khẩu phần vẫn đầy đủ một dĩa hoặc luộc hoặc canh, luân phiên đắp đổi quanh năm”.

Hôm ở đảo Tiên Nữ cũng là một đảo chìm, tôi đang ở trên tầng 2 của nhà đảo thì thấy một chiến sĩ đang vặn mình, nhoài người trên giàn rau rộng hơn chừng mét vuông, dưới chân cột thu sóng viễn thông, dùng kéo cẩn thận cắt từng lá một loài rau lạ. Hỏi ra đó là giàn mướp đắng (người miền Nam gọi là cây khổ qua). Thứ cây vốn khảnh sống này vẫn xanh um, nhưng lạ cái là nó không hề có trái. Vậy là, anh em lính đảo hái lá để nấu canh.

Chiến sĩ Hà Việt Hằng (ở Hải Dương) có vẻ thành thạo nấu nướng ngạc nhiên bảo: “Ủa, anh không biết sao. Lá mướp đắng này mà nấu với trứng là tuyệt nhất. Rồi, anh sẽ được thưởng thức”. Sáng hôm sau, bên cạnh món thịt hộp, cá hộp, người lính đảo trịnh trọng đặt xuống mâm cơm một tô canh lá mướp đắng thái nhỏ nấu với thịt hộp. Sự nâng niu, trịnh trọng của người lính đảo này, khiến cho tôi nhớ đến sự nhẹ nhàng, cẩn thận của một chiến sĩ trước đó đang nhoài mình trên giàn rau, cắt từng chiếc lá, rồi nhẹ nhàng thả vào giỏ. Vẫn cái đắng đót ấy, nhưng nhẫn hơn và đặc biệt, vị đượm, ngọt đọng lại khá lâu…

Như đọc được những suy nghĩ của chúng tôi, đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác nói, đó chính là vị biển đấy. Nhưng, với tôi, đó đâu chỉ là vị biển mà còn là công sức, mồ hôi của người lính nơi đảo xa.

Chợt nhớ, chiều hôm trước, lúc mở cửa bước vào vườn rau mầm, tôi gặp đại tá Nguyễn Hưng đang đứng chuyện trò với chiến sĩ Bùi Đình Nhu (người Thái Bình). Nhu đang hái rau mầm nấu canh đãi khách. Thế nhưng, vị chỉ huy có vẻ không ưa sự “thịnh soạn” này của nhà bếp liền bảo, cứ hái rau bầu đất cho anh em trong đất liền thưởng thức loài rau lạ này cho nhớ đảo, chứ rau mầm trồng được rất khó, hãy để lại cho anh em trên đảo ăn dần. 

img

Những vườn rau di động ở đảo Trường Sa.

Lạ hơn, trung tá Lê Ngọc Dũng, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông còn “bật mí” cho tôi chuyện làm giá đỗ thay rau xanh cho lính đảo vào mỗi mùa mưa bão, khi rau xanh trên đảo trở thành thứ hàng hiếm. Muốn làm giá đỗ thì phải có cát. Nhưng chẳng lẽ đến cát cũng phải mang từ trong đất liền ra, bởi họ còn ngại thứ cát thô từ san hô này sẽ chẳng thích hợp cho việc làm giá đỗ. Ban đầu chỉ là thử nghiệm. Thế nhưng, từ sự thử nghiệm ấy, họ đã phát hiện ra những điều không ngờ.

Trên chính bãi cát san hô đó, người lính đảo đã vùi từng nhúm hạt đậu xanh xuống, 2-3 ngày sau những hạt đậu đó đã nảy ra từng chiếc giá cũng trắng muốt và mát ngọt. Từ đó, giá đỗ trở thành một thứ đặc sản không thể thiếu của người lính nơi đảo xa này, mỗi lúc thiếu rau xanh.

Qua bao thăng trầm, dâu bể của thời gian, cát Trường Sa, thứ cát thô, là sản phẩm của sự tương tác, bào mòn của sóng biển và san hô, đá ngầm đã vun vén nên hình hình Tổ quốc nơi cực đông này. Tưởng chừng, thứ cát kia sẽ khiến cho những giống loài khó có thể sinh trưởng được, nhưng không, trên thứ cát ấy, bàn tay con người vẫn ôm ấp, dung dưỡng cho sự sống nơi đây bật nảy mầm xanh. Còn nói như trung tá Lê Ngọc Dũng, ở đâu có con người ở đó có sự sống, dù cho sự sống ở đó có khắc nghiệt đến đâu đi chăng nữa.