Tại Hội thảo Ngân hàng và Doanh nghiệp (DN) trước tác động của chính sách tiền tệ diễn ra hôm qua (6.9), ông Mạc Văn Nam - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ Đại Lợi (Hà Nội) cho biết, chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất cao của ngân hàng để chống lạm phát thực tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều DN.
Đơn cử DN của ông Nam hiện phải vay vốn của SeaBank lên tới 24%, nhưng "DN tôi vay thế vẫn là hạnh phúc và có thể sống nổi qua ngày, nhiều DN đã phải vay với lãi suất cao hơn và rất khó khăn" - ông Nam nói.
Ông Nguyễn Văn Trung-Giám đốc một DN sản xuất cũng nêu thực tế: Con số 30% DN phá sản trong 6 tháng đầu năm mà VCCI công bố là sát với thực tế hoạt động của DN hiện nay. Với lãi suất cho vay trên 20%/năm, lợi nhuận bình quân của DN đã bị "âm".
Lãi suất cho vay đang có dấu hiệu hạ nhiệt. |
Tuy nhiên, tại hội nghị, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã đưa ra những phân tích và cho rằng, việc giảm lãi suất chỉ nên thực hiện khi nào lạm phát được kiểm soát. Bởi giảm lãi suất, DN có thể "dễ thở" trong ngắn hạn, nhưng sẽ phải hoạt động trên một nền tảng kinh tế rất đáng nguy hại, khi lạm phát "bùng" trở lại.
Giám đốc một ngân hàng thương mại cũng khẳng định: "Không phải lãi suất hạ thì DN sẽ tốt hơn, mà chính là các DN trong giai đoạn hiện nay cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới".
Trong một diễn biến khác, sau nhiều động thái điều chỉnh “kỹ thuật” của Ngân hàng Nhà nước, việc hạ lãi suất của các ngân hàng đã thành hiện thực. Chính thức mở màn cho đợt giảm lãi suất này, Ngân hàng BIDV đã đi tiên phong với mức lãi suất hạ từ 1,5-2% so với mặt bằng chung của các ngân hàng bắt đầu từ hôm qua (6.9). Chỉ chậm hơn 1 ngày, lãnh đạo Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cũng cho biết từ ngày 7.9 lãi suất cho vay VND các lĩnh vực ưu tiên sẽ chỉ còn 16-17%/năm.
Một số Ngân hàng Thương mại cổ phần khác tuy chưa công bố biểu lãi suất mới nhưng cũng khởi động các chương trình hỗ trợ lãi suất với các gói lãi suất theo lĩnh vực mà thực chất mức lãi suất cũng là ít nhiều, mềm hơn so với trước như: Ngân hàng Techcombank với cơ chế hỗ trợ từ 19,5%/năm, Eximbank “mềm” hơn với từ 17%/năm.
Các chương trình ưu tiên hạ lãi suất của ngân hà ACB, HDBank, ABBank, SHB… gần như đã được triển khai từ tuần đầu tiên của tháng 9 này. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể các động thái giảm lãi suất vẫn chưa thực sự diễn ra toàn diện và thực chất. “Ngoài ngân hàng BIDV, thực chất là ngân hàng quốc doanh thông báo hạ lãi suất chung, thì 100% các ngân hàng còn lại chỉ mới hạ ở một số lĩnh vực”, một đại diện lãnh đạo ngân hàng trên địa bàn Hà Nội nhận xét.
Hương Thủy - Mai Hương