Thường thì những quả cầu lửa gồm kim loại và đất đá này sẽ bốc cháy ngùn ngụt và rất nhiều trong số chúng sẽ không “sống sót” qua cuộc va chạm với bề mặt Trái đất. Số ít thiên thạch trụ lại được sẽ bắt đầu cuộc sống định cư ở miền đất mới, chống chịu với sự bào mòn của thời gian và khí hậu qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.
Hãy cùng điểm mặt 7 thiên thạch đơn lẻ được đánh giá là to lớn nhất từng đáp xuống Trái đất theo thứ tự tăng dần:
Thiên thạch Willamette (Mỹ), nặng: 15,5 tấn
Với diện tích 7,8 mét vuông và nặng 15,5 tấn, Willamette là thiên thạch lớn nhất từng được tìm thấy ở Mỹ. Các phân tích cho thấy, thiên thạch này gồm 91% là sắt và 7,62% là niken. Hiện không còn bất kỳ dấu vết va chạm nào của nó với mặt đất ở nơi hạ cánh ban đầu thuộc bang Oregon.
Mặc dù rất được các thổ dân Mỹ tôn sùng (và tin rằng nó cần phải được trả về chỗ ban đầu), nhưng công khám phá ra thiên thạch Willamette thời hiện đại được tính cho một di dân có tên Ellis Hughes vào năm 1902. Phát hiện tảng đá quý, Hughes đã dành 3 tháng cật lực di chuyển thiên thạch ra khỏi mảnh đất thuộc sở hữu của Công ty sắt và thép Oregon nhằm tuyên bố nó là của mình. Tuy nhiên, Hughes bị bắt quả tang. Tảng thiên thạch về sau được bán với giá 26.000 USD và được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ.
Thiên thạch Mbosi (Tanzania), nặng 16 tấn
Được chính thức phát hiện năm 1930 (mặc dù thời điểm đó nó được cư dân bản địa coi là tảng đá thần thánh), Mbosi là thiên thạch khổng lồ ở Tanzania. Nó thực chất là một tảng kim loại không gian ước tính nặng tới 16 tấn. Cũng như trường hợp của nhiều thiên thạch khác, nơi tọa lạc của Mbosi không có vết lõm của va chạm. Điều đó có thể được lý giải là, thiên thạch đã lăn đi sau khi đáp xuống bề mặt Trái đất hoặc đơn giản nó đã có mặt ở đây từ hàng ngàn năm.
Quay trở lại năm 1930, Mbosi nằm nửa nổi nửa chìm dưới mặt đất. Hiện tại, đất xung quanh thiên thạch đã bị đào bới và một chân đế được xây dựng phía dưới nó, mặc dù vị trí ban đầu vẫn được giữ nguyên.
Thiên thạch Agpalilik (Greenland), nặng 20 tấn
Được Vagn F. Buchwald phát hiện năm 1963, Agpalilik là tảng lớn thứ 4 tách ra từ thiên thạch Cape York ở Greenland. Tảng thiên thạch có trọng lượng không hề khiêm tốn này (ước tính khoảng 20 tấn) đang được trưng bày ở Bảo tàng Địa chất tại Copenhagen, Đan Mạch.
Thiên thạch Cape York - “mẹ đẻ” của Agpalilik - đã đâm vào Trái đất cách đây gần 10.000 năm và là một trong những thiên thạch sắt lớn nhất từng đáp xuống hành tinh chúng ta. Qua nhiều thế kỷ, người Inuit bản xứ - một trong những tộc người cổ xưa nhất thế giới đã tận dụng các tảng thiên thạch tách ra từ Cape York như nguồn cung cấp kim loại dồi dào để chế tạo công cụ và vũ khí. Câu chuyện về sự tồn tại của mỏ sắt kỳ lạ mãi tới năm 1818 mới lọt tới tai của các nhà khoa học. Từ năm 1818 tới năm 1883 đã có tới 5 cuộc thám hiểm nhằm tìm ra mỏ sắt dồi dào đó nhưng đều thất bại.
Thiên thạch Bacubirito (Mexico), nặng 22 tấn
Bacubirito chắc chắn là thiên thạch “khủng” nhất Mexico và là một trong những thiên thể lớn nhất sống sót qua một cuộc va chạm với Trái đất. Với trọng lượng ước tính 22 tấn, tảng sắt cong vẹo dài 4 mét này hiện đang được trưng bày tại Centro de Ciencias de Sinaloa ở Culiacan.
Bacubirito do nhà địa chất học người Mỹ Gilbert Ellis Bailey phát hiện năm 1892 trong một chuyến công cán Trung và Nam Mỹ theo đài thọ của tạp chí Interocean. Ông Bailey đã khai quật tảng thiên thạch khổng lồ với sự trợ giúp của cư dân địa phương. Giống như các thiên thạch khác, Bacubirito được đặt tên theo địa danh của nơi người ta tìm thấy nó.
Tảng Thiên thạch Ahnighito (Greenland), nặng 31 tấn
Ahnighito - tảng lớn nhất tách ra từ thiên thạch “mẹ” Cape York nặng tới 31 tấn và là tảng thiên thạch nặng nhất mà con người từng dịch chuyển. Những lời đồn đại về mỏ sắt Greenland đã tới tai các nhà khoa học từ năm 1818, nhưng mãi tới năm 1894, nhà thám hiểm người Mỹ Robert E Peary cuối cùng mới tìm thấy vị trí chính xác của nó, với sự hỗ của một hướng dẫn viên vô danh người địa phương.
Phải mất tới 3 năm, ông Peary mới tìm được cách di chuyển các tảng thiên thạch lên thuyền, không kể đến việc xây dựng tuyến đường sắt duy nhất ở Greenland và sự giúp đỡ quý báu của người Inuit. Tuy nhiên, nhà thám hiểm láu cá rốt cuộc đã xoay sở bán các tảng thiên thạch cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ lấy 40.000 USD. Để phù hợp với việc trưng bày, bảo tàng đã cho xây dựng một chân đế để nâng đỡ tảng thiên thạch “khủng” có diện tích tới 12,1m2.
Thiên thạch El Chaco (Argentina), nặng 37 tấn
El Chaco là mảnh lớn nhất của thiên thạch “mẹ” đã bị vỡ nát để hình thành nên cánh đồng thiên thạch rộng tới 60km2 ở Argentina. Đây là tảng thiên thạch đơn lẻ nặng thứ hai từng được tìm thấy trên Trái đất.
El Chaco được chính thức phát hiện năm 1969 ở độ sâu 5 mét nhờ một máy dò kim loại, mặc dù đã có thông tin về hố bao quanh nó từ năm 1576 và thổ dân địa phương cũng rất tường tận về nơi này. Thêm một tình tiết giật gân nữa là, năm 1990, một cảnh sát Argentina đã đạp tan âm mưu đánh cắp El Chaco của một kẻ săn thiên thạch có tên gọi Robert Haag.
Thiên thạch Hoba (Namibia), nặng: 60 tấn
Đứng đầu danh sách các thiên thạch “khủng” đáp xuống Trái đất là Hoba ở Namibia. Dù chỉ chiếm diện tích hơn 6,5m2 nhưng tảng thiên thạch này nặng tới 60 tấn. Nó được cho là đã bị bầu khí quyển Trái đất làm giảm tốc độ bay nhưng tốc độ đó vẫn đủ lớn để thiên thạch còn nguyên vẹn và gần như bị chôn vùi khi rơi xuống bề mặt Trái đất. Các chuyên gia còn nhận định rằng, hình dáng dẹt bất thường còn giúp thiên thạch lăn đi xa.
Được cho là đáp xuống Trái đất gần 80.000 năm trước đây, thiên thạch Hoba gồm khoảng 84% sắt và 16% niken. Nó hiện vẫn được coi là tảng sắt tự nhiên lớn nhất ở bề mặt Trái đất.
Do kích thước “khủng”, thiên thạch Hoba chưa từng bị dịch chuyển khỏi bến đáp ban đầu kể từ khi được một nông dân phát hiện trong lúc cày ruộng năm 1920. Hiện nay, mỗi năm, Hoba thu hút tới hàng ngàn lượt du khách tới chiêm ngưỡng nó.