Nhóm sĩ quan Mỹ che mắt khi vụ nổ xảy ra. Ảnh: CTBTO
Trong thời Chiến tranh Lạnh, nỗi lo về các cuộc tập kích đường không quy mô lớn của Liên Xô khiến Mỹ đưa vào trang bị rocket đối không mang đầu đạn hạt nhân AIR-2 "Genie". Quả rocket không điều khiển sẽ được bắn vào các máy bay ném bom của đối phương và tự kích nổ. Vụ nổ với sức công phá tương đương 2.000 tấn TNT sẽ quét sạch toàn bộ các máy bay trong phạm vi hàng trăm mét, theo CTBTO.
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt máy bay đối phương đã gây ra lo ngại trong dân chúng, đặc biệt là hậu quả lâu dài của chất phóng xạ. Chính vì thế, không quân Mỹ đưa ra chiến dịch tuyên truyền, cho thấy việc kích nổ vũ khí hạt nhân trên không sẽ gây ít ảnh hưởng tới mặt đất.
Để hiện thực hóa nỗ lực này, 5 sĩ quan của không quân Mỹ đã tình nguyện tham gia thử nghiệm mang tên Plumbbob, được thực hiện tại sa mạc Nevada, Mỹ vào ngày 19/7/1957. Trong đó, một tiêm kích F-89 sẽ phóng quả rocket hạt nhân về phía mục tiêu mô phỏng phi đội máy bay địch. Vụ nổ hạt nhân sẽ xảy ra chỉ cách mặt đất khoảng 5 km.
Nhóm 5 sĩ quan bao gồm đại tá Sidney Bruce, trung tá Frank P. Ball, thiếu tá Norman "Bodie" Bodinger, thiếu tá John Hughes và Don Luttrell. Đồng hành với họ là nhiếp ảnh gia Akira "George" Yoshitake, người được giao nhiệm vụ quay phim. Cả nhóm sẽ đứng ngay bên dưới vụ nổ để chứng tỏ họ không bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ.
Yoshitake cho biết khi vụ nổ xảy ra, họ cảm thấy luồng nhiệt rất nóng, sau đó là ánh sáng chói và quả cầu lửa màu đỏ khiến bầu trời như tối đen đi. Vài giây sau, sóng âm lan từ vụ nổ tới nhóm tình nguyện. Tất cả đều ăn mừng khi thấy mình vẫn còn sống, một người trong số đó còn chia thuốc lá cho các đồng đội xung quanh.
Cuộc thử nghiệm được xem là thành công khi những người tham gia đều sống sót và không bị bệnh liên quan đến phóng xạ. Tất cả đều sống khỏe mạnh và qua đời vì lý do thông thường. Người cuối cùng trong nhóm qua đời vào năm 2014.