Gà râu Cái Chiên có đặc điểm chân thấp, da vàng, xương nhỏ. Chia sẻ kinh nghiệm về nuôi gà râu, bà Trần Thị Hứa là người dân sống lâu năm ở xã đảo Cái Chiên cho biết: “Giống gà này ngon bởi cách thức chăn nuôi và chất lượng con giống. Từ xưa, giống gà này đã được người dân xã đảo cẩn thận chăn nuôi, bảo tồn. Đặc biệt, việc duy trì nòi giống, việc chọn giống tốt, khoẻ để phối giống, đẻ trứng, ấp nở... được người dân hết sức coi trọng nên giống gà quý không bị thoái hoá và đảm bảo nguồn gốc qua thời gian”.
Khi lớn lên, bên dưới mỏ của gà mọc ra một cụm lông dài rủ xuống, trông như một chùm râu nên được gọi là gà Râu
Ngoài ra theo bà Hứa, yếu tố quan trọng không kém để gà râu Cái Chiên có chất lượng thịt thơm ngon bắt nguồn từ tập quán chăn nuôi truyền thống. Hầu hết gà râu được chăn nuôi bằng thóc, gạo và chăn thả tự nhiên tự tìm nguồn thức ăn. Vì thế gà râu thường lớn chậm và cho chất lượng thịt ngon và chắc”.
Anh Chu Văn Sanh – Thôn Đầu Rồng, xã Cái Chiên đang chăm sóc đàn gà của gia đình.
Trung bình mỗi con gà có trọng lượng từ 1,7 đến 1,8kg có giá bán 200.000 đồng/kg. Xã Cái Chiên đã xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển gà râu tại xã đảo và đăng ký là sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) của địa phương. Năm 2015 xã đã thành lập tổ nuôi, bảo tồn và phát triển giống gà râu với 30 hộ dân tham gia. Hiện nay, số lượng gà bản địa của xã Cái Chiên có khoảng 3.000 con.
Khác với gà thường, gà râu có chân thấp, lông màu hoa mơ, nâu, xám, tía hay tro vàng, da vàng
Ông Lương Xuân Thú - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cái Chiên cho biết thêm: “Để khai thác và phát huy có hiệu quả việc chăn nuôi giống gà của địa phương nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân xã đảo, trong thời gian tới, xã Cái Chiên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm và tạo điều kiện cho người dân vay vốn để nhân rộng mô hình đồng thời xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm để bà con yên tâm phát triển sản xuất”.