Chốt phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 3, thị trường giảm trên diện rộng với thanh khoản gia tăng với tổng giá trị giao dịch cả hai sàn đạt hơn 4.100 tỷ đồng. VN-Index được nâng đỡ bởi cổ phiếu mới lên sàn là VJC cùng với NVL, HPG trong khi bị kéo giảm bởi GAS, VNM, VIC, CTG, VCB, BID. Các mã giảm điểm lấn át các mã tăng điểm. VN-Index đóng cửa tại 709,52 điểm (-0,18%) và HNX-Index đóng cửa tại 86,61 điểm (-0,25%).
Riêng giao dịch khối ngoại cũng tăng nhẹ và khá cân bằng, chỉ bán ròng nhẹ trên HOSE 1,2 tỷ đồng và mua ròng trên HNX 6,4 tỷ đồng. Trong đó, các cổ phiếu được NĐTNN mua ròng nhiều nhất có VNM (+40,3 tỷ), ROS (+29,8 tỷ) trong khi bán ròng nhiều nhất là DGW (-24,4 tỷ), HPG (-16,4 tỷ), FIT (-15,7 tỷ), HBC (-15,4 tỷ).
Riêng với nhóm cổ phiếu nông nghiệp, nhóm cổ phiếu cao su khởi sắc với phần lớn các mã đều tăng PHR (+3,5%), DPR (+3,0%), TNC (+0,8%) và HRC (+4,5%). Trong khi đó, HAG (-0,4%), HNG (-5,8%), NDF (-4,3%), DBC (-0,6%) tại nhóm chăn nuôi chịu áp lực bán ra, quay đầu giảm điểm. HAG vẫn thu hút được dòng tiền từ khối ngoại với tổng giá trị mua bán khoảng 1,5 tỷ đồng.
Nhóm phân bón giao dịch sôi động với sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể tổng giá trị mua bán tại DPM đạt khoảng 3 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch gia tăng ở DPM (+2,5%) và DCM (6,4%), khớp tương ứng 2,1 triệu cổ phiếu và 1,8 triệu cổ phiếu.
Việc tăng giá cổ phiếu DPM và DCM gần đây phản ánh kỳ vọng của thị trường khi thay đổi trong quy định thuế GTGT được phê duyệt sẽ giảm chi phí sản xuất hiệu quả hơn cho DPM. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa được chính phủ phê duyệt. Giá bán trung bình ure năm 2017 sẽ tăng đáng kể so với năm 2016, tuy nhiên sự gia tăng giá khí đầu vào có thể tác động đến lợi nhuận 2017 của DPM.
Bên cạnh đó, những thông tin hạn chế liên quan đến dự án NH3-NPK có thể không tác động tích cực nhiều đến lợi nhuận năm 2018. Ngoài ra, việc giảm cổ tức 20% trên mệnh giá (8,2% tỷ suất cổ tức) từ mức trước đó là 30% đã khiến cổ tức bằng tiền mặt của cổ phiếu DPM trở nên kém hấp dẫn.
Ở nhóm cổ phiếu thủy sản, HVG (+0,2%) và VHC (+2%) hồi phục sau phiên giảm điểm sâu ngày hôm qua, tuy nhiên thanh khoản không cao. Ở nhóm cổ phiếu ngành đường, BHS sau phiên tăng trần ngày hôm qua, đã quay đầu giảm 1,4%, khớp gần 2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, LSS và SLS tăng giá với thanh khoản không đáng kể trong khi SBT giữ giá tham chiếu.
Sự khởi sắc của cổ phiếu nông nghiệp được cho là từ thông tin vĩ mô. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2 ước đạt 351 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2017 ước đạt 844 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản ước đạt 99 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 196 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng khai thác thuỷ sản 2 tháng đầu năm ước đạt 389.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó khai thác biển ước đạt 373.000 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016. Khai thác nội địa ước đạt 16.000 tấn.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tuy đã giữa vụ, nhưng chữ đường niên vụ 2016/2017 đang ở mức thấp. Thông tin từ các nhà máy đường ở các tỉnh phía Nam cho hay chữ đường của mía ở các tỉnh từ miền Trung trở vào có thể bị giảm bình quân từ 1-1,5 CCS (giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo) so với niên vụ trước. Mưa nhiều cũng làm đảo lộn kế hoạch sản xuất của nhiều nhà máy đường.
Chính vì vậy, nhiều nhà máy đường đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng, cứ làm ít ngày lại phải tạm nghỉ vài ngày. Nhiều nhà máy phải lui thời gian vào vụ. Chất lượng mía giảm, cộng với những khó khăn trong việc thu hoạch do ảnh hưởng của mưa nhiều ở các tỉnh phía Nam, đã khiến cho tỷ lệ tiêu hao mía bình quân trên cả nước tăng lên.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, từ đầu niên vụ đến ngày 10.2, các nhà máy đã ép được 840.184 tấn mía, sản xuất ra 75.162 tấn đường. Tính ra, tỷ lệ tiêu hao mía bình quân trên cả nước là 11,57 mía/1 đường.