Dân Việt

Hoa hậu Thu Hoài đỗ xe sai còn quay clip ông Hải để làm gì?

Trần Ngọc Lam Giang 02/03/2017 13:38 GMT+7
Hai ngày qua, dư luận xôn xao với câu chuyện Hoa hậu quý bà Thu Hoài đỗ xe sang Audi trước thẩm mỹ viện Khơ Thị (TP.HCM) và bị Phó Chủ tịch Quận 1 Đoàn Ngọc Hải lệnh cho xe cẩu về phường Bến Nghé để xử lý.

Điều đáng chú ý là thời điểm ông Hải đang chỉ đạo xử lý chiếc xe Audi lấn chiếm lòng lề đường này thì có người “đánh tiếng” với ông Hải đó là xe của Hoa hậu Thu Hoài. Ông Đoàn Ngọc Hải - người được báo chí và cộng đồng mạng ví là “người phát động cuộc chiến giành lại vỉa hè” đã trả lời thẳng thừng: “Hoa hậu à? Xe đậu vi phạm là lập biên bản, cẩu về ngay, không hoa hậu hoa hiếc gì hết”.

Xem clip được ghi lại bởi các phóng viên, Hoa hậu Thu Hoài khi thấy xe sắp bị cẩu liên tục gọi điện cho ai đó để “can thiệp” tuy nhiên cuối cùng chiếc xe Audi vẫn bị lập biên bản và cho xe cẩu về phường.

Cũng trong clip mà các phóng viên báo đài ghi lại có thể thấy rõ hoa hậu Thu Hoài rút điện thoại quay lại toàn bộ việc chiếc xe mình bị cẩu đi.

img

Đỗ xe Audi lấn vỉa hè bị ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Quận 1 lệnh cho xe cẩu về phường, hoa hậu Thu Hoài móc điện thoại quay clip. Ảnh: Một Thế Giới

Tôi không rõ hoa hậu Thu Hoài quay lại clip theo thói quen, “vô thức” hay nhằm mục đích “tố cáo” gì lực lượng chức năng đang thực thi đúng công vụ ở đây?!

Câu chuyện cô hoa hậu Thu Hoài gọi điện nhờ tác động rồi rút điện thoại ghi hình lại cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ khiến tôi nhớ tới việc cách đây không lâu, một số thiếu úy trẻ nồng nặc rượu bia vừa cản trở tác nghiệp của các phóng viên vừa đồng loạt rút điện thoại quay clip “đấu” lại phóng viên, nhà báo tại Hà Tĩnh để “làm bằng chứng, đăng bài”.

Cụ thể, một nhóm phóng viên các báo nhận được đơn kêu cứu của nông dân Lê Thị Phượng, thị trấn Kỳ Anh khiếu nại về việc hơn 8ha rừng của gia đình đang trồng cây keo hợp pháp tại Khe Đá, xã Kỳ Liên thì bị một công ty thuê người vào chặt phá lấy đất làm mỏ đá dù chưa thống nhất được giá đền bù.

Khi các phóng viên đang tác nghiệp thì xuất hiện một xe bịt bùng đặc chủng dạng chở tội phạm trên đó có 3 thiếu úy công an nồng nặc mùi rượu đến yêu cầu các phóng viên xuất trình thẻ nhà báo, giấy tờ mới cho chụp ảnh.

Các phóng viên, trẻ có già có từ tốn, nhẫn nại xuất trình thẻ nhà báo và các giấy tờ liên quan, nhà báo Anh Bình - gần 60 tuổi, hàng chục năm trong nghề có giải thích với các thiếu úy trẻ này rằng khu vực không có biển cấm quay phim, chụp ảnh và hỏi rằng ai ra lệnh cho những thiếu úy này lên “bảo vệ” cho doanh nghiệp mà không bảo vệ những người đáng được bảo vệ. Nhà báo Bình nói rằng sẽ gọi điện cho Ban giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về sự việc cản trở này thì người trẻ nhất trong nhóm chiến sỹ lên giọng thách thức “Bây (chúng mày) thích thì cứ gọi đi, không gọi được thì tao gọi cho” rồi rút điện thoại quay “đấu lại” các nhà báo.

Thấy tình hình căng thẳng, các nhà báo đã gọi ngay cho Ban giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh thì lúc đó cả 3 người này vội bỏ chạy về phía đồi rồi mất hút. Sau đó, lãnh đạo Công an huyện Kỳ Anh đã xác nhận với các nhà báo đây là quân số của đơn vị này và ngay lập tức xin lỗi, hứa xử lý nghiêm.

Giữa thủ đô Hà Nội, cách đây không lâu, cá nhân tôi cũng đã phải nhắc nhở một thanh niên vi phạm giao thông (lấn làn, vượt đèn đỏ) khi bị cảnh sát giao thông Thủ đô dừng xe lại còn lớn tiếng thách thức, rút điện thoại ra quay lại toàn cảnh việc xử lý của cảnh sát giao thông để tạo áp lực.

Trước đó, đầu năm 2015, một cô người mẫu, diễn viên có tiếng khi ngồi xe taxi đi vào đường ngược chiều trên phố Đào Duy Từ, bị công an phường Hàng Buồm (Hà Nội) yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ. Thay vì khuyên tài xế taxi chấp hành, cô này đã xuống xe chửi bới, thóa mạ lực lượng công an thậm chí đạp ngã một cán bộ thực thi công vụ.

Sau đó, cô người mẫu này với bạn đi cùng còn quay phim, dọa “đưa lên trang nhất các tờ báo”. Cô người mẫu này sau đó đã bị tạm giữ hình sự và đã tự nguyện viết thư xin lỗi các chiến sỹ công an bằng tuổi cha chú mình trong tổ công tác mà cô này lăng mạ cũng như người hâm mộ cả nước.

Câu chuyện hoa hậu Thu Hoài, cô người mẫu trên kia hay nhóm chiến sỹ trẻ ghi lại “clip bằng chứng” cho thấy tư duy rất có vấn đề của những người hơi tí là dọa quay clip tạo áp lực hay “nhằm tung lên mạng”.

Bản thân những bài báo, clip, video trên mạng xã hội chỉ có giá trị, sức mạnh và lan tỏa chỉ khi dùng để ghi lại nhưng hành vi sai trái, xấu xa, trái với quy định của pháp luật, quy chuẩn của đạo đức, lương tâm, thuần phong mỹ tục... Còn ngược lại, dù có là hoa hậu mà đỗ xe sai quy định, dù có là người mẫu mà chống người thi hành công vụ thì có quay hàng sa số clip chỉ tội thêm bằng chứng củng cố, tố cáo, “chống lại” chính mình.

Sức mạnh, chân lý chỉ thuộc về những người có chính nghĩa, lẽ phải. Tư duy “gỡ gạc” sai phạm bằng việc quay clip tạo áp lực chỉ khiến sai phạm thêm trầm trọng và khiến hình ảnh cá nhân lố bịch trong mắt công chúng mà thôi.