Dân Việt

Mùa xuân, dân bản rủ nhau vào rừng hái măng sặt

Tú Linh 03/03/2017 15:34 GMT+7
Cứ đến tháng 2 âm lịch hàng năm, người dân ở các bản Mông ở vùng thị trấn Văn Bàn, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lại vượt núi vào rừng hái măng sặt để bán. Cây măng sặt có nhiều ở các địa phương, nhưng không phải nơi nào măng cũng ngon như ở Yên Bái. Đây là mảnh đất có thổ nhưỡng và khí hậu hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây măng.

Măng sặt mọc tự nhiên trên rừng, lâu dần người dân khoanh vùng chăm sóc theo hộ gia đình. Cứ đến tháng 2 âm lịch hàng năm người già đến người trẻ, mỗi người lại xách gùi trên lưng cùng với con dao sắc để cắt măng đem bán. Phải đi từ sáng sớm, phải leo núi, xuyên rừng.

img

Măng sặt khi đã bóc vỏ có thể để nguyên ngọn hoặc thái lát để chế biến

Cây măng sặt không cao lớn như các loại măng khác nên rất khó thu hoạch. Mỗi khi lên rừng hái măng, người dân bản phải thật tinh mắt để phát hiện măng mọc nhú trên mặt đất để lần mò xới đất tìm măng. Thân cây măng thuộc họ tre nên rất cứng, để chọn được cây măng ngon là cả một quá trình tìm tòi vất vả của những cư dân bản. Theo những người dân, rừng bị tàn phá nhiều, cây sặt, khoang lài bị chặt hạ, đốt làm rẫy nên măng cũng hiếm dần. Muốn hái được nhiều măng phải vào tận rừng sâu, có khi đi cả ngày mới được một gùi măng mang về, róc vỏ, đem luộc sơ rồi bán.

img

Măng sặt thân cây nhỏ nhưng búp luôn mập mạp, đem lại giá trị dinh dưỡng cao

Măng rừng như thứ lộc của rừng, là nguồn thu nhập ngoài nương rẫy, ruộng vườn của những gia đình đồng bào dân tộc vùng cao, là loại “lâm sản” được nhiều người vùng xuôi ưa thích. Rất nhiều cửa hàng thực phẩm sạch đã nhập loại măng này về bán tại Hà Nội.

img

Người dân bản địa đem măng sặt bán khắp các chợ

Khi bóc măng để chế biến, bà con thường dùng lưỡi dao mỏng, sắc lia nhẹ dọc thân măng, để lộ màu trắng nõn của lõi rồi dùng tay bóc toàn bộ lớp vỏ còn lại. Có nhiều cách để chế biến măng sặt như luộc, xào, nấu canh hoặc ngâm giấm, làm măng ớt… Tuy nhiên, các món chế biến từ măng sặt được dùng phổ biến nhất vẫn là măng sặt nấu canh xương, măng sặt xào và măng sặt luộc.