Dân Việt

Trồng rau nhà kính - đầu tư 1, thu lợi 10

Bùi Hiếu 06/03/2017 07:05 GMT+7
Từ năm 2003 đến nay Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Xuân Hương, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) trồng rau theo công nghệ cao, trong nhà kính, nhà có mái che. Qua 14 năm phát triển, HTX vẫn giữ vững thương hiệu là một trong những đơn vị tiêu biểu trồng rau ngon, sạch trên địa bàn.

Đột phá từ 3 luống rau nhà lưới

Năm 2003, HTX nông nghiệp Xuân Hương được chọn là nơi thí điểm ứng dụng về nông nghiệp công nghệ cao, với diện tích 1.000m2 nhà kính. Từ năm 2004, nhận thấy nhu cầu từ thị trường HTX đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất của xã viên sang sản xuất trong nhà kính, theo quy trình an toàn. Năm 2010, HTX bắt đầu trồng theo quy trình VietGAP. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ rộng ở Metro, Big C, vài điểm chợ đầu mối và các tỉnh như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Ở Hà Nội, cũng có 6 doanh nghiệp giới thiệu và bán rau của HTX nông nghiệp Xuân Hương.

img

HTX nông nghiệp Xuân Hương trồng các giống cây từ nước ngoài như cà chua tím. Ảnh: Văn Việt (Báo Lâm Đồng)

Về khâu giống, HTX nông nghiệp Xuân Hương sử dụng hoàn toàn giống nhập từ nước ngoài, hầu hết đều là giống ôn đới do Sở NNPTNT Lâm Đồng quản lý. “Chúng tôi ươm giống qua giá thể. Đất mùn, xơ dừa được đem xử lý, mới đem ươm hạt. Chỉ qua 1 tháng là đem mầm ra ruộng trồng được” - ông Quang cho hay. 

Quy mô HTX Xuân Hương bây giờ với 7ha rau các loại theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, gồm 5ha nhà kính sản xuất đa dạng giống rau chủ lực của Đà Lạt như xà lách, súp lơ, cần tây, ớt ngọt…; cách đây 2 năm, HTX mới nhân rộng một số chủng loại rau mới là dưa leo baby, cà chua đen, vàng, đỏ. 2ha đất ngoài trời trồng cà chua, khoai lang, đậu cove… ở vùng Liên Nghĩa, Đức Trọng. Tính đến những tháng cuối năm 2016, HTX Xuân Hương mang lại lợi nhuận cho hộ gia đình thành viên khoảng 300 triệu đồng/ha/năm đối với diện tích đất ngoài trời; 500 - 600 triệu đồng/ha/năm đối với diện tích nhà kính. Cá biệt có diện tích nhà kính trồng ớt ngọt, xà lách, cà chua giống mới…, thu lợi nhuận mỗi ha từ 1 tỷ đồng trở lên.

Nói về thành công này, ông Trần Đức Quang - Giám đốc HTX Xuân Hương cho hay: Mỗi năm HTX thu được từ 600 - 700 tấn rau. Diện tích rau trong nhà kính cho năng suất thấp nhưng lại mang lại lợi nhuận cao. Chẳng hạn như với cây xà lách - cây trồng chủ lực của HTX, mỗi vụ chỉ thu được 1 tấn nhưng 1 năm làm được tới 8 vụ. Đầu tư sản xuất theo công nghệ cao, ban đầu có thể chi phí rất cao, chẳng hạn như mô hình nhà có mái che, đầu tư khung sắt, vật liệu ban đầu khoảng 1,6 tỷ nhưng có thể sử dụng được từ 5 - 6 năm. Đặc tính của hệ thống nhà kính có thể chống được tia cực tím, giảm bớt nhiệt độ trong những ngày nắng nóng. Hệ thống tưới của chúng tôi dùng công nghệ phun sương. Trước đây, chúng tôi cũng dùng hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhưng các cây trồng ở đây chủ yếu là ngắn ngày, phải dọn dẹp rất bất tiện và mau hỏng, nên chúng tôi đã chuyển đổi sang phun sương”.

Giữ vững thương hiệu

Theo ông Quang, trồng rau trong nhà mái che, thuận lợi nhất là cách ly với thời tiết, với môi trường bụi bặm bên ngoài, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc cách ly này đã phần nào giúp hạn chế được bệnh cho cây trồng, nên rất ít phun thuốc. Trong quá trình trồng, đã bón phân lót diệt mầm bệnh dưới lòng đất, hạn chế sâu bệnh. Ổn định quá trình trồng nên số lượng nhân công cũng được giảm bớt, hạ giá thành chi phí. Đến nay, HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, các thành viên đều được tập huấn và có chứng chỉ kể cả về an toàn vệ sinh lao động, từ đồng ruộng tới sơ chế.

“Đa số nông dân không có thị trường ổn định nên ngại sản xuất VietGAP. Tôi đã nhiều lần có ý kiến bà con cần đoàn kết, lập thành HTX hoặc tổ hợp tác, xây dựng diện tích sản xuất rau VietGAP, nhận giấy chứng nhận nhãn hiệu và đi chào hàng mới có đầu ra ổn định.  Không sản xuất VietGAP, không có giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, nông dân Đà Lạt chỉ suốt đời sản xuất nhỏ lẻ, bán cho thương lái rất bấp bênh, phải chịu cảnh được mùa mất giá” – ông Quang cho hay.