Thực chất thì trước mỗi mùa V.League, Tổng cục TDTT, VFF luôn có những công văn yêu cầu chấn chỉnh bạo lực, ứng xử kém văn hóa trên sân cỏ cùng chế tài theo hướng tăng nặng. Thế nhưng, bóng đá xấu xí vẫn nhan nhãn và bất chấp luật lệ. Cụ thể là V.League mùa này không nguội chút nào với những án nặng được đưa ra cho Omar (Thanh Hóa) và Hoàng Vũ Samson (Hà Nội), mà vẫn chưa làm cho nhiều cái đầu lạnh bớt.
Pha vào bóng của Quế Ngọc Hải khiến cầu thủ Anh Khoa phải giã từ sự nghiệp. Ảnh: T.L.
V.League mới trôi đi 8 vòng, trái ngược với mong muốn của các nhà tổ chức khi tình trạng sân cỏ bất thường qua những hành vi bạo lực lấn chuyên môn. Nói chuyện bạo lực lấn chuyên môn có người bảo, do các đội bóng không lo dạy trẻ tới nơi tới chốn. Bàn vấn đề này, còn nhớ cách đây vài năm, tại Hội nghị về thể thao Việt Nam chuẩn bị cho phiên giải trình của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, một lãnh đạo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục – Thanh, thiếu niên, nhi đồng phải thốt lên: “Bóng đá Việt Nam giờ bạo lực quá. Cầu thủ trẻ đá, đạp vào cầu thủ đối phương chẳng tiếc thương nhưng không hiểu, có khi hành động đó dễ dàng chấm dứt luôn sự nghiệp của họ…”.
Các nhà làm bóng đá thấy rõ bạo lực là không thể chấp nhận. Đáng ra, cần có chế tài nặng thì đôi lúc chỉ giơ cáo đánh khẽ, hoặc mang tư tưởng đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Thậm chí, ngay cả lãnh đạo giới trọng tài còn “vẽ” ra ngôn từ “vào bóng liều lĩnh” qua tình huống Samson vào bóng đầy ác ý với một cầu thủ trẻ của HAGL ở vòng 3.
Từng có nhiều lần dư luận sôi lên bởi vấn đề đạo đức cầu thủ, nhất là các hành vi phản bóng đá của cầu thủ trẻ. Tiếc rằng phía lãnh đội xem đấy như va chạm bình thường, hoặc cho đó là chơi bóng quyết liệt (!?). Trong khi thực tế, với các nước có nền bóng đá phát triển, việc dạy cầu thủ tôn trọng đồng nghiệp được thực hiện ngay từ nhỏ. Bằng suy nghĩ, ngoài chăm chút cho đôi chân còn phải lo cho cái đầu nữa.
Trở lại với câu chuyện Anh Khoa giải nghệ. Ở Thụy Sĩ, đã từng có đội bóng FC Zurich khởi kiện cầu thủ Sandro Wieser ra tòa, sau khi phạm lỗi thô bạo khiến cầu thủ Yapi-Yapo của họ gần mất sự nghiệp ở giải vô địch quốc gia. Thử đặt ra tình huống, lúc này Anh Khoa khởi kiện Ngọc Hải để đòi lại quyền lợi của mình thì sao? Cầu thủ của đội bóng sông Hàn có thể làm việc đó, thay vì mãi trông chờ án phạt từ Ban kỷ luật và lời xin lỗi từ phía người phạm lỗi…
Ai cũng hô hào đưa bóng đá có văn hóa vào sân cỏ, hướng đến bóng đá tử tế nhưng thực tế thì nhiều đội chỉ lo dạy trẻ chơi tiểu xảo ngay từ khi còn là năng khiếu.