Hiện nay, ngoài việc lấn chiếm vỉa hè để xe, kinh doanh… còn nhiều công trình như cột điện, bốt điện được xây dựng với mật độ lớn, không theo quy định cụ thể khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng ở cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều ra quân mạnh mẽ để xử lý vi phạm trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Khởi đầu cho "cuộc chiến" giành lại vỉa hè là ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TP HCM) với phát ngôn sốc: “Không lấy lại được vỉa hè, tôi sẽ cởi áo từ quan”.
Sau một thời gian ra quân, vỉa hè nhiều tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã trở lại thông thoáng. Tình trạng vi phạm, lấn chiếm đã giảm. Nhiều hộ dân còn tự tháo dỡ phần vi phạm để trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV tại Hà Nội, ngoài việc để xe, bán hàng, kinh doanh… thì vẫn còn tồn tại nhiều công trình đã “yên vị” từ lâu trên vỉa hè như cột điện, bốt điện, trạm biến áp… “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường.
Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ nổ bốt điện ở quận Hà Đông hồi vào giữa tháng 11 năm 2016 khiến 1 người tử vong, 4 người khác bị bỏng nặng. Việc tồn tại những cột điện, bốt điện lớn nhỏ trên vỉa hè như hiện nay chẳng khác gì những “quả bom điện” tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây sát thương cho người đi đường.
Một vài hình ảnh PV ghi nhận bốt điện lấn chiếm vỉa hè tại Thủ đô:
Nhiều tủ điện, trạm biến áp án ngữ, chiếm trọn lối đi của người đi bộ trên vỉa hè.
Theo khảo sát của PV tại nhiều tuyến phố của Thủ đô như Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Ngọc Thạch, Hàng Ngang, Hàng Đào… rất nhiều trụ điện, trạm biến áp mọc lên ở vỉa hè.
Không những thế, nhiều trạm biến áp còn hư hỏng, gãy đổ nằm chình ình trên vỉa hè. Trong ảnh là trạm biến áp trên phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa).
Tháng 11/2016, vụ nổ bốt điện ở Hà Đông làm 1 người chết, 4 người bị thương khiến nhiều người không khỏi lo lắng về sự an toàn của các bốt điện đặt trên vỉa hè này.
Vỉa hè ngay cổng làng Nam Đồng trên đường Nguyễn Lương Bằng bị bịt kín bởi hộp điện và tủ biến áp.
Phía sau còn là nơi chứa rác của người dân. Người đi bộ qua đây chẳng còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường.
Vỉa hè bị xe máy, tủ biến áp, cột điện bịt kín khiến những cô gái này phải đi xuống lòng đường Phạm Ngọc Thạch.
Vì không muốn phải chui qua ống dây điện trên vỉa hè phố Chùa Bộc nên người phụ nữ này đi bộ xuống lòng đường.
Phần đường dành cho người đi bộ bị án ngữ bởi cột điện, trạm biến áp và lòng thòng dây điện “đẩy” người đi bộ xuống đường Thái Hà.
Hồ ga, dây điện chằng chịt bịt kín vỉa hè phố Thái Hà, đoạn gần với cầu vượt Tây Sơn.
Đống dây điện bịt kín phần vỉa hè cho người đi bộ trên phố Hoàng Cầu.
Trên các tuyến phố cổ, nhiều vỉa hè cũng bị hàng rong và bốt điện án ngữ. Trong ảnh, một du khách nước ngoài đang len qua bốt điện và hàng quán bán rong trên vỉa hè phố Hồ Hoàn Kiếm.
Các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào… cũng rất nhiều trụ điện, tủ biến áp án ngữ trên vỉa hè khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.