Dân Việt

Chuyên gia lý giải vì sao người Việt ăn sáng đắt nhất thế giới

Diệu Thu 07/03/2017 00:25 GMT+7
Chi quá nhiều tiền cho ăn uống là một thực tế vẫn xảy ra ở một số nơi trên lãnh thổ Việt Nam.

img

Theo Bloomberg, chi phí cho bữa ăn sáng của Việt Nam mất tới 12% thu nhập

Theo báo cáo kết quả đo lường của Bloomberg (Bloomberg Global City Breakfast Index), người Hà Nội mất tới 12% chi phí hằng ngày cho bữa sáng.

Cũng theo báo cáo này, các quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu - nơi có nền kinh tế phát triển nhất lại chi phí dành cho bữa sáng thấp nhất (dưới 1,8% thu nhập hằng ngày). Ở châu Á, mức chi này của người dân Osaka - Nhật Bản chỉ là 1% trong khi thu nhập trung bình của người Hà Nội chỉ bằng 1/8 thu nhập trung bình của người dân ở Osaka.

Sau khi khảo sát này được đưa ra, có ý kiến cho rằng người Việt đã nghèo lại “chịu chơi”, chi quá nhiều tiền cho ăn uống. Chi phí cho bữa ăn sáng của Việt Nam mất tới 12% thu nhập là một vấn đề không hề nhỏ.

Trao đổi với phóng viên về công bố của Bloomberg, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nói: “Bản thân tôi chưa thực sự tin vào khảo sát này”.

img

TS.Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

Ông Phong cho biết, kết luận người Việt chi cho bữa sáng tốn kém bậc nhất thế giới dễ gây hiểu lầm. Đơn vị khảo sát chỉ căn cứ vào tổng thu nhập bình quân của người dân sau đó chia ra số tiền phải chi để ăn sáng là chưa đủ cơ sở kết luận.

Chẳng hạn: Thu nhập của một người ở Việt Nam là 200 USD, họ ăn sáng mất 10 USD trong khi đó thu nhập bình quân của một số nước phát triển là 2000 USD/người/tháng nhưng họ ăn sáng cũng chỉ mất 10 USD/tháng. Do đó, không nên căn cứ vào cách tính này để kết luận.

“Cách tính này không chuẩn đâu, mọi người đừng nhìn vào đó để kết luận. Tôi nghĩ khảo sát này sẽ không được được chia sẻ rộng rãi vì không thực tế”, ông Phong nhấn mạnh.

TS.Nguyễn Minh Phong khẳng định: Người ta nói người Việt đã nghèo lại “chịu chơi”, chịu chi là suy luận thiếu tính thực tế, nhận định không có bằng chứng.

Cũng theo vị chuyên gia này, thu nhập và ăn uống liên quan đến nhau. Dựa vào từng hoàn cảnh, từng mức thu nhập, có gia đình dành 40% cho ăn uống (nếu người nghèo, người có thu nhập thấp thì tiền kiếm được chỉ để ăn). Ngược lại, có gia đình dành 10% trong tổng thu nhập để chi phí cho ăn uống.

Tuy vậy, theo ông Phong, chi quá nhiều tiền cho ăn uống vẫn là một thực tế xảy ra ở một số nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, người dân nên xóa đi “định kiến” này mà thay vào đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giải pháp được chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đưa ra đó là, mọi người nên tính toán, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý (Cách chi tiêu cho những gia đình có thu nhập thấp, không rủng rỉnh đó là không ăn hàng, ăn vỉa hè với giá đắt đỏ, thay vào đó là tự nấu nướng).

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng, kết quả khảo sát này dựa trên mức thu nhập của người Hà Nội. Tuy vậy, kết luận “người Việt chi cho bữa sáng tốn kém bậc nhất thế giới” là hơi vội vàng.

“Thu nhập thấp, người ta chỉ cần phấn đầu đủ ăn đã là tốt rồi”, bà Lâm nói.

img

PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia

Bà Lâm phân tích, chi phí 12% cho bữa ăn sáng trong tổng thu nhập cũng không có gì là lạ. Ví dụ: Một người làm ra 100 nghìn/ngày thì họ mất 12 nghìn để ăn sáng cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, bữa ăn sáng được coi là bữa ăn “xóa đói”, là bữa ăn quan trọng nhất đầu tiên cho cả ngày. Một bữa ăn sáng tốt cung cấp được 1/3 năng lượng calo trong ngày và ăn điểm tâm đúng mức sẽ là tiền đề cho con người sảng khoái, tăng độ tập trung, tăng tính sáng tạo và tràn đầy cảm xúc hăng hái làm việc.