Dân Việt

Nhà cổ miệt vườn sợ hãi... khách Việt

09/09/2011 17:28 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều nhóm khách Việt vào tham quan thì các ông chủ nhà cổ méo mặt bởi cây trong vườn trở nên xơ xác. Khách dẫn theo trẻ con bứt trái cây để chơi trò ném nhau. Rồi rượu vào lời ra, la lối om sòm...

Những căn nhà cổ ở miệt vườn sông nước Cửu Long vừa bước đầu đưa vào phục vụ du lịch đã thu hút rất đông du khách ghé thăm. Thế nhưng, những ông chủ nhà đã phải kêu trời bởi không đủ sức phục vụ khách Việt.

Đa số các ngôi nhà cổ được xây dựng từ trước 1945 còn lưu lại trên phần đất Cái Bè (Tiền Giang) ngày nay đều thuộc 2 dòng họ Phan và Trần. Những ngôi nhà này không chỉ là tài sản vô giá của các gia đình mà còn là của địa phương, bởi nó là dấu ấn của nhiều giai đoạn lịch sử. Hiện 2 ngôi nhà đẹp nhất của 2 dòng họ trên là “địa chỉ đỏ” đối với những du khách muốn tìm hiểu thêm về lịch sử văn hóa bản địa.

img
Du khách nước ngoài thăm nhà cổ Ba Đức.

“Đại mỹ gia” miệt vườn

Nằm trong khuôn viên rộng trên 2ha ở Đông Hòa Hiệp (Cái Bè), nhà cổ Ba Đức của dòng họ Phan nằm giữa vườn cây cảnh và cây ăn trái toàn đặc sản địa phương như xoài cát Hoà Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn… Tất cả đều được bố trí một cách hài hoà và là một trong những vườn cây trái đẹp nhất trong vùng rất thích hợp cho du khách tham quan và thưởng thức trái cây đặc sản.

Ngôi nhà được xây dựng với sự kết hợp dung hòa 2 lối kiến trúc Á - Âu, cất trên nền cao 0,5m so với mặt đất, vì vậy vào mùa nước lũ không thể ngập. Mới đây, nhà cổ Ba Đức được Tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ toàn bộ kinh phí (1,8 tỷ đồng) để trùng tu. Ngôi nhà cổ rộng trên 1.000m2, gồm 5 gian, cất theo hình chữ đinh với trên 100 cây cột bằng gỗ quý, được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại "cửu đại mỹ gia" ở Việt Nam…

Ngôi nhà cổ Út Kiệt của dòng họ Trần với lối kiến trúc tương tự cũng được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao về giá trị văn hóa, tinh thần. Nhiều năm nay, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đưa những ngôi nhà này vào tour du lịch như một cách khẳng định nét văn hóa độc đáo của tỉnh nhà.

“Sợ” khách Việt

Anh Trần Minh Hà - dân kinh doanh máy tính ở TP.HCM, kể lại, Chủ nhật tuần rồi, anh Hà rủ gia đình mấy người bạn cùng gia đình mình đưa con đi chơi. Khi anh gọi điện đặt tour tham quan chợ nổi- vườn trái cây- nhà cổ, các điểm nhận khách đặt tại Bến tàu Du lịch Cái Bè sau khi hỏi số lượng khách đều tìm cách đưa mục tham quan nhà cổ ra khỏi chương trình.

Ông Huỳnh Thanh Hữu - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VHTTDL Tiền Giang) cho hay: Không thể ép nhà vườn. Họ từ chối khách VN cũng do hướng dẫn viên không lưu ý trước với khách: Khi vào những vườn trái cây đón khách kiểu “bao bụng” cũng đừng hái trái non và đừng xả rác. Mặt khác, thái độ cương quyết của chủ các ngôi nhà cổ kể trên sẽ làm cho du khách Việt thay đổi suy nghĩ. Nhà vườn đã nâng cao nhận thức về bảo tồn, khách đi du lịch cũng cần chứng tỏ mình là người có hiểu biết.

Theo những người làm tour, trước đây những ngôi nhà cổ đều rất hào hứng đón khách. Nhưng gần đây họ rất sợ khách Việt! Khi PV hỏi chuyện này, ông Phan Văn Đức - chủ nhân ngôi nhà cổ Ba Đức, thẳng thắn: “Khách nước ngoài xin nhận, còn khách Việt Nam chắc phải coi lại. Nếu là khách đoàn đi theo tour của công ty đàng hoàng, có chương trình cụ thể, có người hướng dẫn quản lý thì nhận, không nhận khách Việt Nam đi lẻ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, khách trong nước hay nước ngoài đến các nhà cổ đều được đón tiếp như nhau. Thế nhưng khi nhiều nhóm khách Việt vào tham quan thì các ông chủ nhà cổ méo mặt bởi cây trong vườn trở nên xơ xác.

Sau khi khách “thưởng thức” trái cây đặc sản, dưới vườn trái non và rác xả đầy. Nhiều khách dẫn theo trẻ con bứt trái cây để chơi trò ném nhau, vặt lá chỉ để làm vui. Họ thường xuyên nô đùa ầm ĩ như chỗ không người khiến khách nước ngoài chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Đã vậy, khách Việt Nam thường đòi ăn động vật hoang dã như rùa, rắn, chim trời mà không quan tâm việc bảo vệ môi trường và sinh vật tự nhiên. Rượu vào lời ra, có khi họ la lối om sòm. Khi du khách Việt ăn xong thì trên bàn, dưới bàn bừa bãi rác, có khi họ còn để tàn thuốc lá cháy lem mặt bàn...

“Chúng tôi đã cố gắng hết sức”

Chị Phan Thiên Kiều - con gái ông Ba Đức cho biết, dù gia đình đã cố công phục vụ nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu của khách Việt. “Trong khi các khách nước ngoài rất dễ chịu thì khách Việt lại đòi hỏi rất cao. Làm du lịch ai cũng muốn có khách nhưng dù cố hết sức chúng tôi vẫn không phục vụ nổi những vị khách khó tính” - chị Kiều nói.

Tương tự, nhà cổ Út Kiệt cũng rất ngán khách Việt Nam vì sợ phục vụ không chu đáo. Theo chủ nhà, phục vụ khách Việt rất vất vả vì khách ăn uống bừa bộn, đòi hỏi nhiều, chạy bàn bở hơi tai. Khách nước ngoài thường chọn món đặt trước, trên bàn ăn của họ lúc nào cũng sạch gọn, lỡ có làm rơi vãi thức ăn hay nước uống, họ đều xin lỗi và tự dọn sạch.

Ngay cả hướng dẫn viên cũng ngán khách Việt. Nhiều hướng dẫn viên cho biết, trong khi khách ngoại yên lặng lắng nghe thuyết minh, chăm chú quan sát từng chi tiết đẹp thì khách Việt Nam chủ yếu chỉ muốn chụp hình, đứng ngồi mọi nơi không kể chi đồ vật quý giá.