Dân Việt

Đề xuất nhiều hỗ trợ cho người có công

09/09/2011 17:02 GMT+7
(Dân Việt) - Trả “lương” cho người chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, trợ cấp hàng tháng cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày... là những điểm điều chỉnh đáng chú ý mà Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 54 về hỗ trợ người có công.

Cải thiện cuộc sống cho các mẹ

Chúng tôi tới thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Xuân Thị Cúi ở xã Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình) khi căn nhà của mẹ đang trong quá trình hoàn thiện. Ở tuổi 88, mẹ mới có căn nhà mới do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ VN tài trợ 40 triệu đồng và huy động địa phương, dòng họ cùng chung tay giúp đỡ.

img
Mẹ Nguyễn Thị Liên- người có công với cách mạng ở thôn Khuốc Đông (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình) có thể sẽ được hưởng chế độ người chăm sóc.

Mẹ Cúi cho biết, mẹ có một con trai duy nhất đã hy sinh, hiện mẹ đang ở với con gái, con rể và các cháu. Tuy nhiên, con gái mẹ hoàn cảnh cũng rất khó khăn: “Nếu có chính sách hỗ trợ người chăm sóc Mẹ VNAH thì cuộc sống của gia đình sẽ đỡ khổ hơn” - mẹ Cúi bày tỏ.

Mẹ Nguyễn Thị Miêng ở xóm Hang Đồi II, xã Cư Yên (Lương Sơn, Hoà Bình) đã 97 tuổi nên mọi sinh hoạt đều nhờ cậy vào sự chăm sóc của các cháu họ. Mẹ Miêng cho biết, mẹ được hưởng trợ cấp gần 2,3 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này chỉ đủ cho mẹ chi tiền ăn, tiền thuốc, những người chăm sóc mẹ đều làm tự nguyện. “Nhiều lúc các cháu cũng phải lo làm, lo ăn, không thể chu toàn với mình được”- mẹ nói.

Mẹ Cúi, mẹ Miêng là 2 trong số gần 4.000 Mẹ VNAH còn sống trên cả nước. Các mẹ đều tuổi đã cao hầu hết đều cần tới người chăm sóc. Theo đề xuất của Bộ LĐTBXH, mức “lương” cho người chăm sóc Mẹ VNAH dự kiến khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hùng Phong – Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ VN cho biết: “Hiện chúng tôi đang tiến hành khảo sát, đánh giá lại thu nhập, đời sống, sức khỏe của các Mẹ VNAH; đồng thời khảo sát cả việc có bao nhiêu mẹ có người chăm sóc”.

Theo ông Phong, hiện Hội mới khảo sát ở một số tỉnh nhưng kết quả cho thấy, dù các mẹ đã được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước, được các đơn vị nhận đỡ đầu và các nguồn tài trợ khác… nhưng đời sống của nhiều mẹ vẫn còn khó khăn.

Theo ông Phong, đây là chính sách rất sát thực, góp phần cải thiện đời sống cho các mẹ, nhưng cũng cần có những quy định cụ thể về người chăm sóc, thời gian họ thực sự phải dành ra để chăm sóc các mẹ khi nhận hỗ trợ…

Chính sách liệu có được duyệt?

Dự thảo của Bộ LĐTBXH cũng đề xuất trợ cấp hàng tháng cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày. Đây là đối tượng có cuộc sống hết sức khó khăn, nhất là những người chưa được hưởng chế độ gì.

Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng tư nhân Những chiến sĩ bị địch bắt tù đày ở đảo Phú Quốc (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, ở Hà Nội hiện có hơn 4.500 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, trong đó có khoảng 1/3 người chưa được hưởng chế độ gì. Sau nhiều lần đề nghị, năm 2010, TP. Hà Nội đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi người 350.000 đồng/tháng.

Theo ông Bảng, ngoài Hà Nội, các địa phương khác hiện chưa có điều kiện hỗ trợ, trong khi trung bình mỗi tỉnh khu vực miền Bắc cũng có khoảng 2.000 chiến sĩ. Để được hưởng chế độ, các chiến sĩ phải chứng minh được là mình có những vết thương thực thể, trong khi nhiều người bị tra tấn kiểu phơi nắng, nhịn đói, bị tra tấn vào đầu gối, mắt cá chân… thì làm gì có vết thương thực thể.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 8,84 triệu người có công, trong đó 1,47 triệu người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Nếu dự thảo mới được thông qua, sẽ có trên 200.000 người được thụ hưởng trợ cấp.

“Nếu có chính sách trợ cấp hàng tháng, tôi nghĩ họ là những người hoàn toàn xứng đáng được hưởng” - ông Bảng nói.

Theo ông Hoàng Công Thái – Cục trưởng Cục Người có công, dự thảo cũng đề nghị tăng mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ tương ứng với số liệt sĩ, bổ sung điều kiện công nhận liệt sĩ đối với quân nhân mất tin, mất tích; điều chỉnh quy định xác nhận đối với quân nhân phục viên bị mắc bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Thiều - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH), những điểm mới của dự thảo Nghị định rất khó được phê duyệt ở thời điểm này bởi chưa có trong quy định của Pháp lệnh Người có công. Trong khi đó, lộ trình sửa đổi Pháp lệnh Người có công phải đến năm 2012 mới thực hiện.

“Về quy định, phải có trong pháp lệnh mới được thực hiện. Hơn nữa, ngoài Mẹ VNAH, còn những người chăm sóc mẹ liệt sĩ, chăm sóc lão thành cách mạng, chăm sóc thương binh…cũng chưa hưởng chế độ gì. Tôi nghĩ, việc đưa ra những điểm mới này là phù hợp nhưng khó thực hiện được ngay”- ông Thiều nói.