Bệnh nhân ngộ độc rượu đang được cấp cứu tại BV Bạch Mai
Sau khi 7 bệnh nhân uống rượu cồn công nghiệp ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng mờ mắt, phù não, thậm chí có bệnh nhân từng chết lâm sàng ở tuyến dưới…, chiều 7/3, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội đã họp khẩn tìm biện pháp truy xuất kinh doanh rượu.
Qua kiểm tra, trên 170 cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, Hà Nội đã niêm phong gần 2.000 lít rượu không nhãn mác.
Đặc biệt, cơ quan chức năng đã phát hiện một quán cơm bán rượu có chứa hàm lượng methanol cao vượt ngưỡng cho phép hơn 2.000 lần.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Hà Nội cho biết, qua điều tra từ các nạn nhân bị ngộ độc rượu, có tới 3 người bị ngộ độc rượu sau khi uống rượu ở các quán ăn tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Tính đến chiều 7-3, Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm 10 mẫu rượu, trong đó có 2 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng rất cao.
Cụ thể, mẫu rượu trắng lấy tại quán cơm Vĩnh Thành (địa chỉ: số 95 khu giãn dân phương Mỗ Lao, Hà Đông) có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép 2.002 lần. Hay mẫu rượu ngâm của gia đình ông Nguyễn Đình Chính (địa chỉ: số 59, tổ 24, phương Khương Đình, quận Thanh Xuân) có nồng độ là 89.680mg/L, vượt ngưỡng gần 900 lần.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế cho rằng, với mẫu rượu trắng có hàm lượng gấp tới hơn 2.000 lần ngưỡng cho phép thì chắc chắn là rượu bị cố ý pha cồn công nghiệp. Tính ra cứ 1 lít rượu thì có 200 ml cồn công nghiệp.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị kiểm tra, truy xuất nguồn gốc các loại rượu không nhãn mác, nhất là nguồn rượu từ những cơ sở đã khiến bệnh nhân ngộ độc methanol.
Mặt khác, phải cảnh báo người dân song song với việc bắt buộc các cơ sở nấu rượu phải cam kết đảm bảo an toàn, cấm pha cồn công nghiệp vào rượu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, methanol là một chất cồn, một số thương lái đã dùng chất này hòa tan với nước theo tỉ lệ nhất định để tạo ra rượu bán cho người tiêu dùng (hay còn gọi là rượu giả, rượu bẩn). Việc sử dụng chất này để pha chế rượu vẫn tràn lan và vì thú vui mà nhiều người phải bỏ mạng.
Rượu này uống vẫn có độ cồn, vẫn tạo cảm giác say, nếu uống nhiều sẽ gây hậu quả khôn lường, nhẹ có thể gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, nặng có thể dẫn đến mù lòa. Trên thực tế, nhiều trường hợp uống rượu có hàm lượng methanol cao đã bị ngộ độc và tử vong.