Dân Việt

Rừng thông non bị “xẻ thịt” bán sang Trung Quốc

09/09/2011 19:34 GMT+7
(Dân Việt) - Hàng trăm ha thông dọc biên giới khu vực huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đang bị người dân "xẻ thịt". Những cây thông mới 7-8 năm tuổi cũng bị băm vào thân, cạo, rạch để lấy nhựa bán sang Trung Quốc.

Lộc Bình huyện có diện tích thông lớn nhất ở Lạng Sơn, với những rừng thông mã vĩ xanh ngút tầm mắt chạy dọc theo đường biên giới. Vài năm gần đây, cây thông được xem là cây xóa đói, giảm nghèo của người dân nơi đây.

img
Ông Hà Văn Thiết - cán bộ Hội ND xã Tú Đoạn (phải) xót xa trước rừng thông non bị khai thác.

Khai thác kiểu tận diệt

Hầu hết các gia đình ở Lộc Bình đều trồng thông. Nhà ít thì 0,5ha, nhiều thì 5- 10ha. Đã có nhiều gia đình mua được xe máy, xây nhà đẹp, giàu lên nhờ thông. Thông đã được trồng ở đây từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, nhưng từ khi có Dự án 661 thì thông mới được trồng đại trà. Tuy nhiên, thời gian gần đây hàng trăm hộ dân đã đổ xô khai thác thông non bán sang Trung Quốc, ảnh hưởng rất lớn đến rừng thông.

Từ thị trấn Lộc Bình lên cửa khẩu Chi Ma, thi thoảng chúng tôi lại gặp vài người cầm dao đi khai thác nhựa thông. Anh Nông Văn Thanh, xã Yên Khoái, cho biết: "Nhà tôi có hơn 1ha thông 7 năm tuổi, nhựa còn ít nhưng ngày cũng được vài cân, giá nhựa đang cao (45.000 - 50.0000 đồng/kg - PV) nên mình phải tranh thủ cạo để bán". Riêng xã Yên Khoái có tới 1.800ha thông, nhưng chủ yếu là thông 6 - 7 năm tuổi.

Theo người dân, chúng tôi leo lên các rừng thông ở xã Yên Khoái, Tú Mịch và Tú Đoạn để xem thông đang bị "xẻ thịt" như thế nào. Tôi rùng mình khi thấy với hàng vạn cây thông thân mới chỉ bằng bắp chân, đã bị những vết dao khía, vằm xung quanh thân để lấy nhựa. Do còn quá non, nên những cây thông này chỉ tiết ra được chút ít nhựa màu trắng nhàn nhạt rất loãng, chứ không vàng đặc như nhựa thông già.

Mỗi ngày ở Lộc Bình có đến cả trăm người tỏa vào các cánh rừng thông để khai thác và có hàng tạ nhựa thông được tuồn qua biên giới trái phép theo đường tiểu ngạch. Ông Vi Văn Tăng - chuyên viên Phòng NNPTNT huyện Lộc Bình cho biết: “Thông phải từ 12- 15 năm mới được khai thác. Nếu khai thác quá sớm như hiện nay, chỉ 3- 4 năm là cạn kiệt nhựa, cây không thể lớn được nữa và từ từ cỗi, chết. Khi đó dân sẽ là người thiệt nhất”.

Mất nguồn sống lâu dài

Với việc khai thác thông theo kiểu "tận diệt" như đã nói ở trên, người dân Lộc Bình đang đánh mất đi nguồn lợi, "cần câu cơm" lâu dài của mình. Khi hỏi vì sao thông còn quá bé mà đã khai thác, ông Lý Văn Hùng (xã Tú Mịch) đang trút những túi nhựa thông nhỏ vào túi nói: "Cây nhỏ nhưng cũng có nhựa rồi mà, đang thiếu tiền đóng học cho con, lại không có việc gì để làm nên nhỏ cũng phải cạo chứ biết làm sao".

Thông phải từ 12- 15 năm mới được khai thác. Nếu khai thác quá sớm như hiện nay, chỉ 3- 4 năm là cạn kiệt nhựa, cây không thể lớn được nữa và từ từ cỗi, chết.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các rừng thông được trồng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước đã quá già cỗi, nhựa đã cạn kiệt, nhưng vì thủ tục thanh lý rườm rà, nên người dân không trồng mới được. Khi giá nhựa lên, không có nguồn thu nào khác buộc họ phải "xẻ thịt" thông non. Và đã xảy ra tình trạng khai thác thông trộm, gây mất an ninh trật tự khu vực.

Ông Tô Vinh Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Tú Đoạn thở dài: "Chúng tôi đã khuyên bảo bà con không nên khai thác thông non, nhưng vì rừng do gia đình họ quản lý nên chúng tôi cũng chỉ góp ý".

Trao đổi với chúng tôi về các vấn đề trên, ông Vi Văn Tăng cho hay: Mặc dù được giao đất, giao rừng nhưng hầu hết người dân chưa có "sổ đỏ" nên họ không dám chặt thông già để trồng mới. Hơn nữa, trước đây đa số người dân đi bốc hàng thuê ở các cửa khẩu, nay hàng ít thiếu công ăn việc làm, túng thiếu, buộc họ phải khai thác thông non...