Chiến hạm Hải quân Nga phô diễn sức mạnh ở Địa Trung Hải
Nga đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình, dần từ bỏ các lớp tàu chiến cỡ lớn, tập trung chế tạo các loại tàu hộ vệ và tàu tên lửa cỡ nhỏ được trang bị vũ khí tầm xa, có uy lực như tổ hợp Kalibr và phiên bản hải quân của tên lửa S-400.
Tuy nhiên, với việc tàu sân bay duy nhất mang tên Đô đốc Kuznetsov sắp phải ngừng hoạt động ba năm để thay thế, nâng cấp các nồi hơi trong hệ thống động cơ, hải quân Nga vẫn cho thấy mình là lực lượng khá cũ kỹ với phần lớn tàu chiến thế hệ cũ và phải đối mặt với hai điểm yếu rất khó khắc phục, theo National Interest.
Các nhà máy đóng tàu cũ nát
Hạm đội tàu mặt nước Nga vẫn giữ nhiệm vụ truyền thống từ thời Liên Xô, đó là bảo vệ lực lượng tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo, vận tải và bảo vệ các vùng biên giới trên biển.
Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, việc không có đơn hàng mới khiến nhiều nhà máy đóng tàu phải cắt giảm hoạt động, thậm chí chấm dứt sản xuất. Điều này khiến cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, trong khi các công nhân có trình độ cao dần đánh mất tay nghề, theo chuyên gia quân sự Michael Kofman.
Tàu hộ vệ Đề án 11356PM đang được đóng tại nhà máy Yantar. Ảnh: Twitter.
Rất nhiều nhà máy đóng tàu Nga hiện nay, trừ các cơ sở đóng tàu ngầm, đều rơi vào tình cảnh ảm đạm, khiến chính phủ Nga nhiều lần phải ra tay giải cứu bằng cách đặt hàng đóng chiến hạm mới để nhà máy duy trì hoạt động.
Tình trạng chậm trễ tiến độ, lỗi kỹ thuật và cả thất thoát do tham nhũng là điều thường gặp trong ngành công nghiệp đóng tàu chiến của Nga. Điều đó khó có thể được giải quyết trong vòng vài năm, cũng như cần chi phí rất lớn để hồi sinh khả năng đóng tàu như thời Liên Xô.
"Đóng tàu là bộ phận tệ hại nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Một số nhà máy có tình trạng tham nhũng nặng tới mức người quản lý có thể đánh cắp hàng tỷ rúp và bỏ trốn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch sản xuất tàu chiến của Nga", ông Kofman khẳng định.
Mức độ an toàn tại các nhà máy cũng là vấn đề đáng lo ngại. Cháy là nguyên nhân khiến Nga mất nhiều tàu chiến nhất, hơn bất cứ lý do nào khác. Nước này từng mất một tàu quét mìn tối tân vì hỏa hoạn trong lúc chế tạo. Tuần dương hạm Kerch, niềm tự hào của hạm đội Biển Đen, cũng bị phá hủy trong một vụ cháy hồi cuối năm 2014.
Khả năng bảo dưỡng hậu cần kém cỏi
Tàu chiến Nga thường thực hiện nhiệm vụ theo cặp, đi kèm với một tàu chở dầu và tàu kéo hạng nặng. "Hải quân Nga không bao giờ ra khơi mà không có tàu kéo, nhằm đề phòng trường hợp tàu chiến chết máy", Kofman cho biết.
Động cơ cũ kỹ và khả năng bảo dưỡng kém chính là lý do tàu chiến Nga thường xuyên gặp tình trạng chết máy hoặc lỗi kỹ thuật trên hành trình. Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng là con tàu nổi tiếng vì liên tục gặp lỗi kỹ thuật.
Ngay cả những lớp tàu mới cũng phải đối mặt với khó khăn trong công tác hậu cần. Tàu hộ vệ tên lửa Đề án 22350 (lớp Đô đốc Gorshkov) và Đề án 11356PM (lớp Đô đốc Grigorovich) là các chiến hạm đa năng, sở hữu hỏa lực và hệ thống phòng thủ rất mạnh, nhưng chúng lại sử dụng động cơ tuabin khí do công ty Zorya-Mashproekt của Ukraine chế tạo.
Ukraine được thừa hưởng toàn bộ công nghệ và nhà xưởng chế tạo động cơ tuabin khí cho tàu chiến từ Liên Xô. Căng thẳng giữa Moscow và Kiev thời gian gần đây khiến việc bàn giao động cơ cho hải quân Nga bị trì hoãn, thậm chí bị hủy đơn hàng. Trong khi đó, Nga vẫn chưa thể tự phát triển dòng động cơ tuabin khí nội địa, khiến dự án đóng tàu hộ vệ thế hệ mới của họ bị chậm trễ ít nhất 5 năm.
Tư duy đóng một lớp tàu chiến với số lượng nhỏ rồi chuyển sang lớp tàu mới của Nga bị coi là một ác mộng với ngành hậu cần. Số lượng quá ít tàu chiến trên một lớp, cũng như quá nhiều lớp tàu cùng tồn tại khiến Nga không thể chuẩn hóa quy trình bảo dưỡng và chế tạo phụ tùng thay thế.
Điển hình chính là lớp tàu đổ bộ Ivan Gren, được đánh giá là rất có tiềm năng và phù hợp với yêu cầu do hải quân Nga đưa ra. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga chỉ đặt mua đúng hai chiếc Ivan Gren, bất chấp việc họ phải thay thế toàn bộ lực lượng tàu đổ bộ cũ kỹ trong biên chế. Rất nhiều lớp tàu khác vẫn đang và sẽ được đóng theo từng cặp.
"Lực lượng hải quân biển xanh của Liên Xô đã biến mất, những gì còn lại của Nga dần trở thành hải quân biển gần", chuyên gia quân sự Michael Kofman nhận xét về sức mạnh trên biển của Nga hiện nay.
Tuy hải quân Nga sẽ khó có được uy lực như thời Liên Xô, nhưng họ vẫn sẽ là một lực lượng đáng gờm trên thế giới nếu tập trung vào các nền tảng tàu chiến nhỏ và có năng lực tác chiến cao hơn, dựa vào công nghệ để lấp khoảng trống số lượng. Những vũ khí hiện đại như tên lửa Kalibr hay P-800 Oniks cho phép hạm đội Nga đe dọa đối phương từ xa.
"Hạm đội tàu nổi có thể làm được rất nhiều điều mà không cần phải rời cảng. Tên lửa hành trình của họ có thể tấn công mặt đất và tàu chiến đối phương từ khoảng cách xa", chuyên gia Kofman nhận định.