PV NTNN đã ghi nhận thực tế các đề xuất gửi tiền với lãi suất thỏa thuận đều được nhân viên tín dụng “dè dặt” từ chối với lý do NHNN đã có chỉ đạo và sẽ phạt những nơi nào thực hiện sai quy định. Cùng với đó, một thực tế khiến các NHTM phải đau đầu không kém. Đó là tình trạng ngay trong ngày 8.9, nhiều khách hàng đã bất ngờ đến ngân hàng rút tiền.
Giải pháp cho vấn đề này, lãnh đạo chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đã phải chỉ đạo nhân viên tín dụng thuyết phục khách hàng “không rút tiền để gửi sang ngân hàng khác”. Thậm chí Hội sở còn có văn bản yêu cầu nhân viên cần tìm hiểu rõ lý do rút tiền của khách hàng. Với các trường hợp tất toán tiết kiệm với số tiền 500 triệu đồng trở lên, phải báo cáo lãnh đạo trong tối đa là 2 giờ.
Trao đổi với NTNN, đại diện ngân hàng T trên phố Bà Triệu khẳng định: “Chắc chắn trong vài ngày tới việc thoả thuận lãi suất sẽ không diễn ra tràn lan và công khai như trong thời gian qua. Nhưng thời gian sau thì chưa biết thế nào”.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay trong ngày 8.9 vẫn có trường hợp khách hàng được hưởng mức lãi suất thoả thuận với một số chi nhánh ngân hàng S, ngân hàng A...
Một nhân viên tín dụng ngân hàng LV tiết lộ: Hôm nay, hầu hết các khách hàng có tiết kiệm đến ngày đáo hạn đều rút tiền về. Trong khi lượng khách hàng gửi mới rất hạn chế.
“Không hiểu rồi đây các ngân hàng sẽ “lách luật” bằng cách nào hay lại quay về phương án “cổ điển” là tặng quà khuyến mại cho các khách hàng” - một khách hàng tại ngân hàng này bình luận.
“NHNN cần phải đưa ra xử lý công khai nếu có một vài trường hợp vi phạm thì có ý nghĩa răn đe và loại bỏ hoàn toàn tình trạng vượt rào lãi suất lâu nay” - ông Nguyền Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, thành viên HĐQT ABBank cho biết. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng bình luận: Nếu tôi là khách hàng, tôi cũng sẽ không gửi tiền với lãi suất 14% khi mà mức lãi suất thực âm lên tới 6%. Rõ ràng sẽ khó tránh khỏi tình trạng người dân rút tiền để đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Hương Thủy