Ông Nguyễn Quốc Khánh sẽ làm gì ở Bộ Công Thương? (ảnh PVN)
Chiều ngày 9.3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 9.3 về việc ông Nguyễn Quốc Khánh thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Nhiệm vụ cụ thể của ông Nguyễn Quốc Khánh do Bộ trưởng Bộ Công Thương phân công.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, hiện vị trí cụ thể của ông Khánh vẫn đang được Bộ Công Thương xắp xếp nhưng đến hôm nay, 10.3 việc bố trí công việc mới cho ông Khánh vẫn chưa được hoàn tất. Một nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, có thể ông Nguyễn Quốc Khánh sẽ được bố trí công việc mới tại Tổng cục Năng lượng.
Tuy nhiên, trước đó Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương để trình Thủ tướng. Theo dự thảo, Tổng cục Năng lượng của bộ này sẽ thuộc đơn vị phải “tinh gọn”. Cụ thể, Tổng cục Năng lượng sẽ bị xóa tên và tách thành Vụ Dầu khí và than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo. Như vậy, trường hợp ông Nguyễn Quốc Khánh nếu được điều chuyển về Tổng cục Năng lượng thì có thể tiếp tục có những sắp xếp vị trí công việc nếu như đơn vị mới ông Khánh nhận nhiệm vụ bị “tinh gọn”.
Tính đến ngày 9.3 sau khi ông Khánh được điều chuyển về Bộ Công Thương, vị lãnh đạo này cũng đã ngồi “ghế nóng” tại PVN được hơn 1 năm (từ ngày 12.1.2016). Thông tin của PVN công bố trên website của Tập đoàn này tối ngày 9.3 khẳng định, tại buổi làm việc với PVN ngày 9.3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng “Đánh giá cao vai trò quan trọng của Tập đoàn đối với nền kinh tế đất nước nói chung cũng như những đóng góp của ông Nguyễn Quốc Khánh trong những năm công tác trong ngành và thời điểm nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn. Lý do điều chuyển ông Khánh là để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong hoạt động của Bộ Công Thương, chứ không liên quan đến vấn đề kỷ luật”.
Thông tin của PVN cũng cho biết, phát biểu với cán bộ chủ chốt Tập đoàn, ông Nguyễn Quốc Khánh bày tỏ tri ân tới tập thể cán bộ, người lao động dầu khí đã cộng tác, hỗ trợ, khắc phục những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh giá dầu thế giới suy giảm (cũng là giai đoạn đồng chí giữ cương vị chủ chốt tại Tập đoàn). Ông Nguyễn Quốc Khánh mong muốn Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn nữa để chỉ đạo ngành Dầu khí hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được giao.
Đầu năm 2016, ông Khánh được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm kiêm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, sau khi người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức và bị bắt sau đó, do liên quan tới những sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Trước đó, ông Khánh từng giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu (PDC) trước khi đơn vị này hợp nhất với Petechim để thành lập Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - một thành viên của PVN.
Tháng 7.2009, ông được bổ nhiệm làm một trong 7 Phó tổng giám đốc PVN và giữ chức vụ đó trong vòng hơn 3 năm trước khi trở thành Tổng giám đốc Tập đoàn. Trình độ chuyên môn của ông Khánh là kỹ sư Địa Vật lý chuyên ngành Thăm dò địa chất Dầu khí. Trước khi ngồi vào “ghế nóng” tại PVN, ông Khánh cũng từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty Liên doanh Dầu khí Mê Kông trước khi về PVN.
Nhìn lại 1 năm kể từ khi đảm đương vị trí cao nhất tại PVN, ông Nguyễn Quốc Khánh cho thấy, tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2016 đạt 452,5 nghìn tỷ đồng (trong đó doanh thu hợp nhất Tập đoàn đạt 234 nghìn tỷ đồng). Trong năm 2016, PVN đã nộp ngân sách nhà nước 90,2 nghìn tỷ đồng, vượt 10 nghìn tỷ đồng (vượt 12,5%) so với kế hoạch năm. So với giá dầu thực tế đạt được năm 2016 là 45 USD/thùng (mức Bộ Công Thương đã giao cho Tập đoàn) các chỉ tiêu tiêu tài chính của Tập đoàn đạt được tốt hơn nhiều so với yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, so với năm 2015, doanh thu và nộp ngân sách của PVN đều giảm. Trước đó, năm 2015, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 560.100 tỷ đồng; nộp ngân sách 115.100 tỷ đồng. Như vậy, năm 2016 là năm thứ 6 liên tiếp doanh thu của PVN lao dốc.
Về kế hoạch năm 2017, trong tình hình khó khăn chung, PVN đã đưa ra phương án giá dầu ở mức 50 USD/thùng, doanh thu toàn tập đoàn 437.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 74.000 tỷ đồng. Tất cả các chỉ tiêu này tiếp tục thấp hơn năm 2016.