Tàu ngầm Akula thực sự là sát thủ đại dương của Nga.
Trước đây, bất cứ khi nào Liên Xô sản xuất ra một mẫu tàu ngầm bơi nhanh hơn, nguy hiểm hơn và lặn sâu hơn tàu ngầm của Mỹ thì Hải quân quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vẫn rất tự tin. Tàu ngầm của Liên Xô lúc đó rất ồn ào dưới nước nên việc phát hiện ra “con quái vật đại dương” này rất dễ dàng. Mọi chuyện thay đổi hoàn toàn vào giữa thập niên 1980 khi Liên Xô cho ra mắt tàu ngầm lớp Akula.
30 năm sau, tàu ngầm lớp Akula vẫn là xương sống của Hải quân Nga và đến giờ vẫn im lặng hơn tất cả tàu ngầm cùng loại của Mỹ. Điều này đồng nghĩa đây là tàu ngầm im lặng nhất thế giới.
Tin tức tình báo được điệp viên John Walker và Jerry Whitmouth cung cấp năm 1970 cho thấy Hải quân Liên Xô thời điểm đó rất quyết tâm theo đuổi công nghệ im lặng tối tân trên thế hệ tàu ngầm tấn công tiếp theo. Sau khi tàu ngầm lớp Victor và Sierra vỏ titan ra đời, quá trình thiết kế và đóng mới tàu ngầm lớp Akula được thực hiện từ năm 1983. Thiết kế mới sử dụng thiết bị điều khiển nhập từ Nhật, Thụy Điển và giúp các kĩ sư Liên Xô sáng tạo ra hệ thống đẩy 7 cánh quạt im lặng nhất từng có.
Tàu ngầm Akula có độ giãn nước 13.000 tấn, vỏ thép 2 lớp cho phép nó chịu đựng những cuộc tấn công liên tiếp từ ngư lôi đối phương. Động cơ đẩy được đặt trong một buồng kín và lát gạch chống vọng âm bên trong và bên ngoài. Thậm chí, ống dẫn nước vào tàu ngầm Akula cũng được giảm tới mức bé nhất để chống ồn. Con tàu dài 111 mét này chứa được 70 thủy thủ đoàn và hoạt động liên tục 100 ngày dưới biển.
Được trang bị động cơ từ lò phản ứng hạt nhân 190 megawatt, tàu ngầm lớp Akula có thể di chuyển với vận tốc 61 km/giờ và hoạt động dưới sâu 480 mét, hơn 200 mét so với “đồng nghiệp” lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ. Đáng sợ hơn, tàu ngầm lớp Akula im ắng hơn tàu cùng loại của Hải quân Mỹ. Khả năng tàu ngầm Mỹ phát hiện tiếng ồn của đối phương để tấn công phủ đầu đã bị loại bỏ khi tàu Akula ra đời.
Tàu ngầm lớp Akula được dùng để săn tàu ngầm Mỹ, đặc biệt là tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Với 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và 4 ống phóng 650 mm, tàu ngầm này có thể bắn ra 40 ngư lôi dẫn đường, mìn, tên lửa chống hạm tầm xa SS-N-15 hoặc SS-N-16. Ngoài ra, Akula có thể mang theo 12 tên lửa hành trình Granat bắn được mục tiêu trên đất liền cách xa tới 3.000 km.
Tàu hoạt động 100 ngày liên tục không cần tiếp nhiên liệu.
Trong khi các nhà máy đóng tàu Xô Viết sản xuất 7 chiếc Akula thì Hải quân Mỹ vẫn loay hoay chế tạo tàu ngầm lớp Seawolf im lặng hơn để cạnh tranh. Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga hiện đại vẫn cho ra mắt mẫu tàu mới 971A lớp Akula II có hệ thống chồng ồn 2 lớp và radar hoàn toàn mới. Thêm vào đó, biến thể mới gắn được tên lửa phòng không Strela 3.
Vấn đề lớn nhất với tàu ngầm Akula là giá cả. Theo tính toán ở thời điểm năm 1996, một tàu Akula có giá 1,55 tỉ USD trong khi thời giá ngày nay là 2,4 tỉ USD. Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Nga sẽ hứng chịu nhiều thử thách nếu chạy đua vũ trang bằng loại tàu ngầm tiên tiến này. Trước đây, 2 tàu ngầm Akula II từng bị hủy bỏ khi đang sản xuất và chuyển loại thành tàu lớp Borei để giảm giá thành.
Ngày nay, Hải quân Nga có từ 10 tới 11 tàu ngầm lớp Akula và 3 trong số này vẫn đang hoạt động bình thường. Số còn lại đang chờ sửa chữa. Hiện tại, Nga đang rất tích cực hoạt động hạm đội tàu ngầm của mình. Năm 2009, hai tàu ngầm lớp Akula bị phát hiện ngoài khơi bờ Đông nước Mỹ.
Ba năm sau, một tàu ngầm Akula khác của Nga lại xuất hiện ở vịnh Mexico. Đáng chú ý, Hải quân Mỹ không hề biết về sự hiện diện này. Tất cả những trường hợp tàu ngầm Nga tiến sát biên giới Mỹ đặt ra yêu cầu Washington cần một hệ thống chống ngầm hiệu quả hơn. Hiện nay, tàu ngầm Akula đã có thể bắn được tên lửa Kalibr chính xác nhất thế giới, được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm” và từng sử dụng trong các trận chiến ở Syria năm 2015.
Tàu Akula vẫn là tàu ngầm im lặng nhất thế giới hiện nay.
Tàu ngầm Akula của Nga hiện nay dù chưa trong tình trạng sẵn sàng cao nhất nhưng chúng vẫn là lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Trong vài năm tới, đội tàu này vẫn là mối nguy với Mỹ khi lớp tàu Yasen phải mất vài thập kỷ nữa mới chính thức gia nhập biên chế Nga. Cho tới lúc đó, sự im lặng đáng sợ của tàu Akula vẫn là điều khiến Mỹ phải e dè.