Trên là nhận định của vua tôm Minh Phú Lê Văn Quang tại cuộc giao lưu trực tuyến với báo Dân Việt diễn ra tại TP.HCM sáng 11.3.
Sản xuất tôm giống tại Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên). Ảnh: Ngọc Thọ
Ông Quang nói: “Giống sạch bệnh mà thả vào môi trường nuôi không sạch bệnh thì cũng vô nghĩa”. Để nhập được tôm giống bố mẹ kháng bệnh về Việt Nam lại rất khó khăn do vướng nhiều quy định về thủ tục.
“Minh Phú đã nhập tôm bố mẹ kháng bệnh về để sản xuất tôm giống phục vụ sản xuất nhưng khi về tới cửa khẩu sân bay lại bị buộc phải tiêu hủy. Nguyên nhân là tôm kháng bệnh thì... không sạch bệnh. Mà theo quy định hiện nay khi kiểm dịch phát hiện có bệnh là phải tiêu hủy. Muốn có tôm giống kháng bệnh để phục vụ sản xuất thì Bộ NNPTNT cần sớm sửa quy định bất cập này” - ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, ngành giống của ta hiện không có tiêu chuẩn nào về giống nên ai cũng sản xuất giống được, dẫn đến tình trạng ra rất nhiều giống nhưng rất nhiều giống giả, giống không sạch bệnh… giá bán cũng có loại rất rẻ, chỉ 20 – 30 đồng con tôm post cỡ 12 – 15. Với giá thành hiện tại, nếu sản xuất đàng hoàng thì chi phí phải ở mức 60 – 70 đồng/con.
“Do đó, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, không tạo ra lợi nhuận để doanh nghiệp tái đầu tư, nghiên cứu tạo ra con giống tốt, kháng bệnh. Do đó, nhiều năm qua, giống tôm VN cứ quanh quẩn quanh vấn đề này mà không cải thiện được” - ông Quang cho hay.
Trong kế hoạch của Bộ NN, năm nay VN có 560.000ha là tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, với năng suất bình quân 300 – 400kg/năm. Nếu có công nghệ nuôi tôm đạt 1 tấn/ha/năm với nguồn giống kháng bệnh thì VN đã có trên 1 triệu tấn tôm. Lúc này, việc có được 10 tỷ USD là rất dễ dàng.