Quất không phải là cây trồng được ưu tiên
Trong báo cáo về việc quy hoạch phát triển cây ăn quả của Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương nêu rõ: Đến năm 2020, diện tích khoảng 22.000ha, sản lượng đạt khoảng 220.000 tấn/năm, chủ yếu trồng 3 loại cây là vải, ổi và na tại huyện Thanh Hà, thị xã Chí Linh. Đến năm 2030, giữ nguyên 22.000ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt 250.000 tấn/năm. Như vậy, cây quất không phải là cây ưu tiên, nằm trong quy hoạch định hướng phát triển của tỉnh. Trước đó, người dân huyện Gia Lộc và TP.Hải Dương cũng đã ồ ạt chuyển đổi đất lúa sang trồng đào và kết quả họ đã phải nhận “trái đắng”, khi giá đào rớt thê thảm, do lượng cung vượt nhiều lần cầu.
Ông Nguyễn Huy Huyến (xóm 10 xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà) ngán ngẩm với vườn quất bán không ai mua. Ảnh: V.T
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đức Vính – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà lại khẳng định, cây quất nằm trong định hướng, quy hoạch phát triển của huyện. Cụ thể, hiện Thanh Hà có khoảng 350ha quất, tập trung chủ yếu ở các xã Cẩm Chế, Thanh Sơn và Phượng Hoàng: “Trước đây quất chủ yếu được trồng ở xã Cẩm Chế, Thanh Sơn, mấy năm gần đây thấy quất được giá, nên người dân xã Phượng Hoàng đã phá vải chuyển sang trồng quất” – ông Vính cho biết.
Ông Vính cho biết, khoảng năm 2004 Thanh Hà đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất lúa sang trồng vải, sớm nhất tỉnh. Hiện không có diện tích đất lúa chuyển đổi mới sang trồng quất, mà chủ yếu là đất trồng vải, vải xen quất giờ nông dân chuyển sang trồng quất. “Chúng tôi đang vận động những hộ đã chuyển đổi sang trồng vải, nhưng có cả lúa thì chuyển sang trồng lúa, hoặc những cây trồng khác có hiệu quả hơn, như ổi” – ông Vính cho hay.
Về nguyên nhân giá quất giảm thê thảm, ông Vính cho rằng một phần do năm này thời tiết ấm, nên quất chín sớm. Huyện chỉ định hướng vùng để người dân chuyển đổi. Bởi khi đã giao đất ruộng cho người dân, họ có quyền quyết định trên mảnh đất của họ. Chính quyền chỉ có thể định hướng cho người dân vùng trồng và việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nếu người dân không đồng ý thì cũng chịu. Ngay cả việc huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, nhưng người dân không chịu ra đó sản xuất, thì huyện cũng đành chịu. Ông Vính nhấn mạnh: “Còn đầu ra, đây là quất trái vụ, nhằm đón giao thời hoa quả giữa vụ xuân và hè, nhưng năm nay thời tiết nóng, quất chín sớm, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Trước đây, một lượng quất được xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, chứ không phải xuất khẩu, mà chủ yếu được tiêu thụ nội địa”.
Ông Vính so sánh, vụ chuối tết vừa rồi, nông dân Thanh Hà rất được mùa, được giá, vì trong miền Trung gặp bão, chuối mất mùa... Như vậy việc làm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. “Có thể bây giờ quất rẻ, nhưng tháng sau nó sẽ đắt, nên rất khó đoán” – ông Vính nói.
Những người nông dân trồng quất ở huyện Thanh Hà, Hải Dương đang điêu đứng vì quất không có đầu ra. Ảnh: Việt Tùng
Sẽ khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích
Ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cho biết, cách đây hơn 20 năm, người dân Thanh Hà đã đắp ụ lên trồng vải trên đất lúa. Còn việc người dân chuyển đổi đất vải sang trồng quất, tỉnh không quy hoạch, nhưng chắc huyện có quy hoạch rồi. Đây không phải là cây dài ngày, mà chủ yếu là trồng xen vải. “Giá quất bây giờ rẻ, nhưng có thể vài tháng nữa sẽ đắt. Quất ở Thanh Hà chủ yếu là trồng quất trái vụ lấy quả, không biết quất rẻ do nhiều quất quá hay vì lý do gì, nhưng quất ở Thanh Hà không nhiều” – ông Phú cho hay.
Ông Phú cho biết thêm, những năm gần đây, Hải Dương luôn giữ ổn định diện tích cây ăn quả khoảng 20.000 – 22.000ha. Tuy nhiên, cứ thấy cây gì được là bà con đổ xô trồng, rất khó quản lý: “Mấy năm trước quất 20.000 đồng/kg, người dân đổ xô phá vải trồng quất. Khi quất rẻ phá quất trồng ổi, ổi rẻ phá ổi trồng đu đủ… Cũng như vừa rồi, thấy lợn được giá nên nhà nhà nuôi lợn, dẫn đến giá lợn giảm sút thê thảm. Lợn rẻ lại bỏ chuồng, nghe ngóng đã. Nếu cứ duy trì cách làm này thì người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề” – ông Phú nói.
“Chúng tôi quy hoạch mỗi vùng một lợi thế, bây giờ quất thấp, người dân có thể sẽ chặt đi trồng na hoặc cây khác. Đây cũng là một bài toán khó. Nguyên nhân quất rẻ, tôi chưa tìm hiểu, nên không biết giá quất rẻ là do đâu. Song việc quất rẻ chắc chắn có phần do cung vượt cầu. Tuy nhiên, có thể thời điểm này quất rẻ, nhưng thời gian nữa sẽ đắt, đây là vấn đề bình thường, chứ không có gì quan trọng lắm” – ông Phú nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài những diện tích quất trồng xen trong vườn vải và phá vải đi trồng quất, còn có rất nhiều diện tích được người dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng quất. Việc này có thể sẽ vi phạm quyết định của Thủ tướng về việc chuyển đổi đất lúa sang đất khác.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phú cho hay: “Đối với những diện tích trồng mới, chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin, phải chờ huyện báo cáo lên xem quy hoạch như thế nào. Còn nếu cung vượt quá cầu, tỉnh sẽ khuyến cáo người dân không trồng nữa”.
Đứng trước thực trạng hàng trăm ha quất ở huyện Thanh Hà đang tắc đầu ra, người dân đang rất hoang mang, lo lắng, Sở NNPTNT Hải Dương đã có những động thái gì nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ? Về câu hỏi này, ông Phú thẳng thắn cho hay: “Cũng phải nghe ngóng thị trường xem thế nào, chờ đợi thôi, chứ làm gì có việc quất rẻ mà nhà nước có chính sách hỗ trợ”... |