Dân Việt

Tìm thấy hóa thạch cá "bọc thép" 420 triệu năm ở TQ

Trà My - RT 13/03/2017 16:00 GMT+7
Loài cá này được đặt tên theo lực lượng bộ binh Sparabara của Đế chế Ba Tư vì có lớp vẩy giống khiên của các chiến binh thời đó.

img

Ảnh minh họa loài cá "bọc thép" Sparabara

Các nhà khoa học ở Trung Quốc vừa phát hiện một mảnh hóa thạch hiếm của một con cá "bọc thép" có độ tuổi tới gần 420 triệu năm, RT đưa tin.

Phần hóa thạch thuộc về cá Sparalepis tingi, một con cá dài 20cm, được tìm thấy ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Được đặt tên theo lực lượng bộ binh Sparabara của Đế chế Ba Tư, con cá có lớp vẩy giống khiên của các chiến binh thời đó.

Trong nhiều thập kỷ qua, cộng đồng khoa học tin rằng sự gia tăng số lượng động vật có xương sống và cá có hàm trên toàn cầu bắt đầu từ Giai đoạn Devon (419,2 triệu đến 358,9 triệu năm trước).

img

Con cá có lớp vẩy giống khiên của các chiến binh Sparabara của Đế chế Ba Tư

Tuy nhiên, sự gia tăng các loài trên có thể đã bắt đầu từ hàng chục triệu năm trước đó, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Úc và Trung Quốc.

Hóa thạch của con cá Sparalepis cho thấy sự gia tăng trên có thể bắt đầu từ thời kỳ Silurian (443,7 triệu đến 419,2 triệu năm trước).

Vị trí phát hiện hóa thạch cũng rất quan trọng vì nó có thể làm thay đổi các nghiên cứu trong tương lai. Nói cách khác, các nhà cổ sinh vật học chuyên về lĩnh vực này bắt đầu chuyển hướng tập trung của họ sang phía đông, đặc biệt là Trung Quốc.

Hóa thạch cá “bọc thép” cũng thể hiện sự đa dạng của các loài cá trên hành tinh từ hàng trăm triệu năm trước, RT viết.

img

Hóa thạch có thể cho thấy sự gia tăng số lượng động vật có xương sống và cá có hàm xảy ra sớm hơn con người nghĩ