Ồ ạt “tiếp sức”
Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã chính thức khởi động gói tín dụng 500 tỷ đồng nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ, cơ sở sản xuất nuôi trồng nông nghiệp. Với gói tín dụng này, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ sở sản xuất nông nghiệp có thể lựa chọn vay ưu đãi phù hợp với các mục đích đầu tư máy móc thiết bị nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất hay mua phân bón, trả chi phí tưới tiêu, thu hoạch, thuốc bảo vệ thực vật... Thời gian áp dụng gói vay ưu đãi được tính từ năm 2017 đến hết năm 2020.
Agribank vẫn là ngân hàng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn nhất trong toàn hệ thống. Ảnh: Q.H
Theo TS, luật sư Bùi Quang Tín, về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, cần làm rõ một số vấn đề như ngân hàng nào sẽ tham gia; mức chênh lệch lãi suất là bao nhiêu; đối tượng hưởng lợi... Thực tế với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lĩnh vực bất động sản thì rất nhiều người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng cũng không tiếp cận được. |
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi “Đồng hành phát triển nông nghiệp” trị giá 400 tỷ đồng với mức lãi suất từ 7,8% một năm (đến hết ngày 30.4). Một loạt các ngân hàng khác như VietCapital Bank, LienVietPostBank, Agribank... cũng dành gói tín dụng hàng nghìn tỷ đồng/ngân hàng cho vay nông nghiệp với những cách thức khác nhau. Chẳng hạn, VietCapital Bank đang có các gói vay như vay nông nghiệp (mức vay đến 70% giá trị tài sản bảo đảm); cho vay trồng thanh long; cho vay buôn chuyến lúa gạo...
Còn tại Nam Á Bank, với nhu cầu vay phục vụ đời sống của cư dân nông thôn thì mức vay tối đa 70% nhu cầu vốn. Đặc biệt, nhà băng này còn có chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất nông nghiệp. Với gói vay này, khách hàng được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu tiên và 50% lãi suất vốn vay trong năm thứ 3 với mức vay lên đến 100% giá trị hàng hóa.
“Tiếp sức” đúng nơi
Thực tế, nguồn vốn cho vay nông nghiệp hiện nay khá lớn nhưng việc triển khai cho vay lại khá khó khăn. TS, luật sư Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, do chi phí hoạt động cao nên nếu không có số lượng chi nhánh rộng lớn thì một số các ngân hàng thương mại cũng ngại cho vay nông nghiệp vì quá manh mún. Chưa kể, việc hạn chế tỷ lệ nợ xấu làm phát sinh nhiều thủ tục vay vốn khiến cho việc giải ngân càng khó khăn.
Để khắc phục những tồn tại trên, theo ông Tín, cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn, nhất là các khoản vay trung hạn và dài hạn. Riêng yếu tố rủi ro cao của khu vực nông nghiệp thì Chính phủ có thể hỗ trợ một phần lãi suất và phí thực hiện giải ngân... Song quan trọng nhất vẫn là cần tiếp tục đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn.
Phó giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM thì thẳng thắn, hầu hết các quyết định đầu tư của ngân hàng cổ phần phụ thuộc vào quyết định của các cổ đông. Dĩ nhiên, khi lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn được xếp vào loại rủi ro cao (thiên tai, dịch bệnh, giá cả…), lợi nhuận lại thấp hơn các khu vực khác thì quyết định của các cổ đông ngân hàng hạn chế đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là điều dễ hiểu. Nếu “căng” quá thì họ bán cổ phần, gây ảnh hưởng đến các nhà băng.
“Gần đây chúng tôi cũng đơn giản hóa thủ tục vay vốn cho khách hàng khá nhiều. Đồng thời cũng đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất của nông dân như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, xuống tận địa bàn để cho vay... nhưng tăng trưởng tín dụng cũng chưa nhiều” - vị này nói.