Ở Long An, nông dân Võ Quan Huy (63 tuổi) hiện sử dụng cả ngàn ha đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài hàng trăm ha tôm công nghiệp nuôi ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, ông còn trồng bơ và trà ở Lâm Đồng, cây ăn trái ở Bình Dương, Long An, khoảng 200ha chuối ở Tây Ninh, Long An và nhập khoảng 300.000 con bò Úc về nuôi vỗ béo.
Mới đây, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn đã đến thăm trang trại của ông Huy ở huyện biên giới Đức Huệ. Tại đây, ông Huy đã kiến nghị với Chủ tịch một số nội dung, trong đó có nới rộng hạn điền.
Nông dân Võ Quan Huy chăm sóc chuối. Ảnh: T.T
Trao đổi với NTNN, ông Huy cho biết: “Tôi đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước sửa đổi chính sách hạn điền, bởi chính sách đất đai cứ thay đổi liên tục về diện tích được giao, lúc giao nhiều lúc giao ít. Tôi nhớ khoảng năm 2006 thì được giao nhiều, sau đó rút lại. Trong số đất đang sử dụng, tôi có khoảng 600ha do khai hoang và sang nhượng của người khác, nhưng chỉ đứng tên mười mấy ha. Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu người đang đứng tên sổ đỏ giùm tôi nữa. Nói một cách nào đó tôi đang vi phạm luật, nhưng biết làm sao được, đất của mình thì cứ sản xuất thôi”.
“Bản thân tôi chỉ biết đất nằm ở đâu, chứ không nhớ nổi ai đứng tên. Mỗi lần muốn vay tiền ngân hàng, phải nhờ người đứng tên ra ngân hàng làm thủ tục, rất phiền phức. Mà đâu chỉ hạn điền, về thời hạn giao đất, hết hạn cũng phải giao lại nên việc ra cái gọi là “thời hạn” tôi thấy chỉ gây phiền phức cho nông dân khi đi đổi giấy mới... Tôi thiết tha đề nghị Nhà nước tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai, cho phép những người trực canh như tôi được sở hữu nhiều đất đai chứ không chỉ 3ha hay 10ha. Những người nào trực canh 20 năm trên đất đó thì được công nhận quyền sở hữu, không nên vì sợ một số người giàu tích tụ ruộng đất rồi cho thuê “phát canh thu tô” mà không cho người dân có nhiều đất” – ông Huy nói.
Vẫn theo lời ông Huy: “Thực tế khi mình đi mua đất, đền bù cho dân xong thì nhà nước cấp đất vẫn có thời hạn, doanh nghiệp vẫn phải thuê đất dù là đất mình bỏ tiền ra mua. Như vậy người sản xuất không an tâm. Do đó, xóa bỏ hạn điền, bỏ “tấm áo” chật mang tên hạn điền là việc cần làm ngay để nông dân yên tâm sản xuất lớn”.