Dân Việt

Vụ lạc giống lép, mốc: Trúng thầu giống này, cung ứng giống khác?

Phan Phương 16/03/2017 09:31 GMT+7
Liên quan đến vụ việc người dân thôn Tiền Phong, xã Trung Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) bức xúc vì cho rằng lạc giống hỗ trợ bị lép, mốc mà Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh, phóng viên tiếp tục lần theo vụ việc, đã phát hiện nhiều điều chưa hợp lý...

Giống hỗ trợ không đúng loại trong hồ sơ mời thầu?

Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ sơ mời thầu của Phòng NNPTNT huyện Minh Hóa yêu cầu quy cách giống lạc phải là giống SVL1 và L14. Đây là giống lạc chịu được khí hậu khắc nghiệt ở vùng rẻo cao Minh Hóa và những năm gần đây được bà con nông dân nơi đây sử dụng chủ lực để gieo trỉa trong vụ sản xuất đông xuân, cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu cung ứng giống, Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành (Quảng Trị) lại sử dụng giống lạc L23 để hỗ trợ người dân.

img

Người dân phản ánh giống lạc L23 do Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành (Quảng Trị) cung ứng bị lép, mốc, kém chất lượng nên không dám gieo trỉa. Ảnh: Phan Phương

Một điều khó hiểu là trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư yêu cầu cung ứng giống lạc SVL1 -  loại giống đang thuộc sở hữu bản quyền của Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình. Tuy nhiên, trong đợt tham gia đấu thầu cung ứng giống theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2016, do Phòng NNPTNT huyện Minh Hóa mời thầu, Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình tham gia dự thầu lại bị loại

Ông Nguyễn Xuân Kỳ- Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại công ty chưa ủy quyền cho bất kỳ đơn vị nào sản xuất, cung ứng và phân phối giống lạc SVL1. Chính vì vậy nếu đơn vị nào cung ứng loại giống cây trồng này là giả mạo và vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

Chưa có lời đáp?

Mặc dù giống lạc hỗ trợ cho bà con đã không giống như trong hồ sơ mời thầu, nhưng khi làm việc với chúng tôi, lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Minh Hóa (đơn vị chủ đầu tư) vẫn một mực khẳng định giống lạc mà đơn vị trúng thầu (Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành) cung ứng đảm bảo chất lượng.

“Phòng nông nghiệp được UBND huyện giao trách nhiệm cung ứng giống cho Chương trình 135, chúng tôi chịu trách nhiệm trước Nhà nước, pháp luật và UBND huyện về chất lượng giống. Trước khi họ (Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành-PV) đưa giống về họ phải thông báo cho phòng nông nghiệp ngày, tháng đưa giống về giao cho xã A, xã B… Cán bộ chuyên môn của chúng tôi phải về kiểm tra lý lịch giống, ngày tháng sản xuất, đơn vị cung ứng… Kiểm tra đúng như vậy chúng tôi mới nhận; chúng tôi thông qua UBND xã để cho người đứng ra nhận giống” - ông Đinh Trọng Yên – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Minh Hóa nói.

Trong hồ sơ mời thầu của Phòng NNPTNT huyện Minh Hóa (Quảng Bình) quy định: Giống lạc hỗ trợ cho bà con là giống SVL1, L14. Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu lại cung ứng giống lạc L23 cho người dân.

Ông Yên còn khẳng định: “Khi giao giống cho dân, chúng tôi cũng đồng thời có cán bộ chuyên môn của phòng lấy mẫu thử tỷ lệ nảy mầm của hạt giống, đều cho kết quả nảy mầm từ 86-100%”.

Để chứng minh cho điều mình nói, ông Yên cung cấp cho phóng viên “Biên bản thử tỷ lệ nảy mầm giống ngô, lạc cung ứng cho nhân dân sản xuất vụ đông xuân năm 2016 – 2017”. Biên bản thử tỷ lệ nảy mầm của hạt giống nhưng lại không ghi thời gian ươm thử hạt giống là bao lâu mà chỉ có kết luận về tỷ lệ nảy mầm và khẳng định giống cung ứng đảm bảo chất lượng.

Khi phóng viên  đề cập đến vấn đề hợp đồng cung ứng giống và trong hồ sơ mời thầu yêu cầu là giống lạc SVL1 và L14, tại sao lại cung ứng giống lạc L23 để hỗ trợ cho người dân, thì ông Yên từ chối trả lời.

Trước đó, như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, vụ đông xuân vừa qua, bà con nông dân nghèo ở thôn Tiền Phong, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) được hỗ trợ giống lạc. Tuy nhiên,  bà con rất bức xúc vì cho rằng phần lớn số lạc giống này bị teo tóp, hỏng mốc.

>>> XEM THÊM: Dân bức xúc vì cho rằng lạc giống hỗ trợ bị lép, mốc?