Trong chuyến công tác tại Quảng Bình, hôm nay, 15.3, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) Nguyễn Hồng Lý đã lội cát, băng rừng thăm hỏi, nắm tình hình sản xuất của nhiều hộ hội viên, nông dân giỏi.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý (trái) thăm vườn tiêu an toàn của hộ anh Ngô Xuân Dũng, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ảnh: Phan Phương.
Trang trại xanh trên cát nóng
Tại huyện Quảng Trạch, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý đã lội qua những trảng cát dài đến thăm mô hình trang trại nuôi đà điểu hộ anh Võ Văn Lựu, xã Quảng Hưng. Bà Nguyễn Hồng Lý và đoàn công tác rất phấn khởi, ấn tượng khi nghe anh Lựu kể chuyện hơn 10 năm chinh phục cát trắng để gây dựng trang trại nuôi đà điểu và nhiều loại con nuôi khác. Anh Lựu cho biết, khi anh lập trang trại, nơi đây chỉ là 1 vùng cát hoang hóa, trắng đến nhức mắt. Con giống mà anh Lựu chọn nuôi là đà điểu, ngày ấy vẫn còn rất mới mẻ đối với người nông dân Quảng Bình.
Sau gần 10 năm quăng quật cùng cát, bao lần nếm trải thất bại, nhờ sự động viên của các cấp Hội Nông dân, đến nay mô hình nuôi đà điểu của anh Lựu có thể khẳng định là thành công. Hiện trang trại của anh Lựu có 140 con đà điểu bố, mẹ, hàng trăm con đà điểu thịt. Anh Lựu cũng đang rất thành công trong việc ấp trứng đà điểu để bán con giống. Với giá giống đà điểu hiện nay 1,3 triệu đồng/con (15 ngày tuổi), mỗi năm anh Lựu xuất bán hàng trăm con giống thu về hàng trăm triệu đồng. Nếu tính cả đà điểu thịt và nhiều sản phẩm khác, mỗi năm anh Lựu thu lãi hơn nửa tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý (trái) tìm hiểu về hỏi thăm, trao đổi với anh Võ Văn Lựu, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) về kinh nghiệm, kiến thức ấp nở trứng đà điểu. Ảnh: Phan Phương
Trồng, bảo vệ rừng gỗ quý
Cũng trong buổi sáng 15.3, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý và đoàn công tác T.Ư Hội NDVN còn đến thăm mô hình trang trại vườn rừng của nông dân Ngô Xuân Dũng, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch. Trang trại vườn rừng của anh Dũng rộng hơn 15 ha, bao gồm 2 ha hồ tiêu, 6 ha cao su và nhiều loại cây, con khác, mỗi năm thu lãi hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra anh Dũng còn khoanh nuôi, trồng được hàng chục ha rừng huỵnh. Đây là 1 loại gỗ rừng bản địa rất tốt, dùng để đóng tàu biển. Số cây gỗ huỵnh hiện đã có đường kính trên 50cm và đã có thể thu hoạch. “Tôi chưa có ý định bán bởi theo đánh giá thì đây là những khoảnh rừng tự nhiên rất quý còn sót lại ở địa phương…”, anh Dũng thổ lộ.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý (giữa) tìm hiểu, trao đổi với cán bộ Hội ND xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) về loài cây gỗ rừng quý-cây huỵnh (trong trang trại đồi rừng của hộ ông Ngô Xuân Dũng). Ảnh: Phan Phương
Tại buổi làm việc với Hội ND tỉnh Quảng Bình, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý đã nghe đại diện lãnh đạo Hội ND địa phương này báo cáo về tình hình nông dân, nông thôn, hoạt động của Hội ND. Theo đó, mặc dù vừa qua, nông dân Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự cố môi trường biển nghiêm trọng gây nên nhiều tổn thất đối với nông dân, nhất là ngư dân, nhưng Hội ND các cấp trong tỉnh đã bám sát cơ sở, triển khai nhiều hoạt động đạt hiệu quả để động viên bà con vượt qua khó khăn; tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý ghi nhận, đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội ND các cấp tỉnh Quảng Bình. Bà Nguyễn Hồng Lý lưu ý, thời gian tới, Hội ND tỉnh phải hết chú trọng đến việc nắm bắt kịp thời những khó khăn, bức xúc của hội viên, nông dân, ngư dân để đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, không để nông dân rơi vào thế bất lợi. Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý gợi ý, Quảng Bình nên tìm hiểu, bồi dưỡng đưa những hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi vào làm chi hội trưởng chi hội nông dân ở các thôn, bản. “Qua thực tế đi thăm quan các mô hình sáng nay, tôi thấy những nông dân giỏi là người có kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực. Khi làm chi hội trưởng họ sẽ có nhiều điều kiện giúp các hội viên khác…” – Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý phân tích.