Dân Việt

"Thiến hóa học" kẻ xâm hại tình dục trẻ em có vi phạm quyền con người?

Lương Kết 16/03/2017 10:54 GMT+7
Đề xuất nên dùng biện pháp "thiến hóa học" với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có vi phạm đến quyền con người?

Trao đổi với Dân Việt, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đề xuất "thiến hóa học" đối với kẻ xâm hại tình dục trẻ em là không phù hợp, vi phạm đến quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định.

img

Vụ đối tượng Cao Mạnh H bị tố xâm hại tình dục trẻ em tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đang gây chú ý dư luận.

Tại Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

TS Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các về đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Đề xuất đó không phù hợp với điều kiện của nước ta. Để xử lý và ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em có nhiều cách, như biện pháp hành chính, biện pháp hình sự, vấn đề quan trọng khi phát hiện đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng phải xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc.

"Vấn đề quan trọng để ngăn chặn không phải chỉ nằm ở sự trừng trị mà quan trọng là ở việc giáo dục ý thức của con người để họ không có những hành động suy đồi" - TS Nhưỡng nêu.

Theo TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Về nguyên tắc nhân đạo trong hoạt động lập pháp thì đề xuất "thiến hóa học" là không phù hợp.

Đồng quan điểm với ông Thảo, GS-TS Lê Hồng Hạnh - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) bổ sung thêm: Đề xuất "thiến hóa học" cũng là hình phạt, nghĩa là người nào đó vi phạm ngoài chịu sự trừng trị bằng hình phạt tù còn bị thêm hình phạt "thiến hóa học". "Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội phát triển, đề xuất trên không phù hợp, nó không thể hiện được tính văn minh, nhân đạo của pháp luật" - GS -TS Hạnh nói.

Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Đề xuất "thiến hóa học" là sáng kiến giống như kiểu bắt buộc chữa nếu xác định một người nào đó có bệnh về sinh lý thì dùng biện pháp trên để giảm bớt sự ham muốn của họ. Tuy nhiên hậu quả của việc làm này là vô cùng lớn, có thể người đó sẽ không còn sinh sản, duy trì nòi giống được nữa.

"Trừ trường hợp người phạm tội phải chịu mức hình phạt tử hình, còn người phạm tội bị hình phạt tù có thời hạn hoặc tù không thời hạn (chung thân) họ vẫn còn quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Người phạm tội chịu hình phạt tù giam, sau khi cải tạo họ được làm lại cuộc đời, nhưng việc "thiến hóa học" là tác động vào phần thân thể của họ, sau này không khắc phục được nữa, có thể người ta phải gánh chịu hậu quả suốt đời"- Luật sư Nam phân tích.

Theo Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), Bộ luật hình sự hiện hành quy định hình phạt rất nghiêm khắc với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Như tội Hiếp dâm trẻ em, án phạt cao nhất là tử hình; tội Cưỡng dâm trẻ em, án cao nhất là tù chung thân; tội Giao cấu với trẻ em, hình phạt cao nhất là 15 năm tù; tội Dâm ô đối với trẻ em, hình phạt cao nhất là 12 năm tù. "Áp dụng các quy định hiện hành cũng đã đủ răn đe, trừng trị đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em" - Luật sư Tiến nói.

Trước đó chiều 14.3, tại buổi toạ đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” do nhiều tổ chức xã hội về phòng chống bạo lực giới tổ chức, Luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đã đề xuất áp dụng biện pháp “thiến hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm.

Vị luật sư này dẫn chứng, trong khu vực châu Á hiện có Indonesia và Hàn Quốc đã áp dụng đạo luật “thiến hóa học” để tiêu diệt dục tính đối với tội phạm ấu dâm. Ở châu Âu, các nước Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Moldova đều đã dùng biện pháp thiến phẫu thuật để xử lý dứt điểm những tên "yêu râu xanh" ấu dâm.