Dân Việt

Vỡ đập chứa bùn thải quặng thiếc: Dân lo nguồn nước bị nhiễm độc

Cảnh Thắng 16/03/2017 12:32 GMT+7
Cơ quan chức năng của Bộ TNMT đã vào hiện trường vụ vỡ đập chứa bùn thải quặng thiếc của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh lấy mẫu để kiểm tra mức độ ô nhiễm. Tuy người dân địa phương đang rất lo lắng nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng lâu dài.

Người dân đứng ngồi không yên 

Sau 8 ngày kể từ khi xảy ra sự cố vỡ đập chứa bùn thải quặng thiếc của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc làm ảnh hưởng và thiệt hại lớn đến môi trường, các cơ quan chức năng, chủ Xí nghiệp đang gấp rút khắc phục hậu quả, ổn định tâm lý người dân. Theo UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đây là sự cố lần thứ 2 tại đập chứa Suối Bắc này. Nguyên nhân làm cá chết hàng loạt vẫn đang được điều tra làm rõ.

img

 Đoàn kiểm tra Bộ TN&MT là việc với Công ty Kim loại màu tại trụ sở đơn vị này. Ảnh: Cảnh Thắng

Tại khu vực các xã bị ảnh hưởng như Châu Thành, Châu Quang, Châu Cường thì các cơ quan chức năng tiến hành hỗ trợ người dân ngăn ngừa diện tích bị ảnh hưởng đồng thời khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, tâm lý chung của người dân vẫn đang vô cùng lo lắng. Việc hàng trăm hecta lúa bị bùn thải tràn lấp khiến lương thực người dân đang bị đe dọa. Nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và ăn uống, bước đầu chưa có dấu hiệu ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân các xã vẫn lo ngại về vấn đề nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm độc sau này.

Bà Lang Thị Hồng ở bản Tiến Thành, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết: “Từ sáng 9.3 đến hôm nay chúng tôi vẫn thấy dòng suối Nậm Huống bị vẩn đục chảy dài. Sau khi hồ đập chứa bùn thải quặng bị vỡ ở đầu dòng suối Bắc, chính quyền xã cũng đã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh khuyên người dân không nên dùng nước, cá dòng Nậm Huống để ăn và sinh hoạt người hết sức lo lắng”.

img

Đoàn kiểm tra hiện trường đập thải trên suối Bắc. Ảnh: Cảnh Thắng

Cùng chung tâm trạng với bà Hồng, hàng nghìn người dân ở xã Châu Thành cũng như Châu Cường, Châu Quang của huyện Quỳ Hợp đang “đứng ngồi không yên” sau sự cố vỡ đập chứa bùn thải quặng thiếc của Xí nghiệp thiếc suối Bắc vào ngày 8.3 vừa qua. Kéo theo đó, hàng trăm héc ta hoa màu của người dân 3 xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang của huyện Quỳ Hợp cũng như nơi hạ nguồn dòng Nậm Huống bị ảnh hưởng nặng nề.  

Lấy mẫu bùn, nước thải phân tích mức độ nhiễm độc

Ngày 15.3, đoàn công tác Bộ TNMT cùng sự có mặt của đại diện Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Nghệ An, Chi cục bảo vệ môi trường thuộc Sở TNMT Nghệ An, Phòng TNMT huyện Quỳ Hợp, lãnh đạo xã vùng hạ du ảnh hưởng bởi sự cố đã yêu cầu doanh nghiệp báo cáo sự cố, công tác khắc phục, cung cấp các hồ sơ, cơ sở pháp lý cho hoạt động khai thác khoáng sản, quy trình vận hành, bảo vệ môi trường ở mỏ xảy ra sự cố.

img

Đập thải nằm ngoài ĐTM. Ảnh: Cảnh Thắng

Cũng trong sáng 15.3, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã tiến hành chi trả hơn 24 triệu đồng hỗ trợ thiệt hại do cá chết sau sự cố vỡ đập bùn thải cho 20 hộ dân của 3 xóm Hoa Thành, Quang Hương, Đồng Huống, xã Châu Quang. Theo thống kê, có hơn 300kg cá nuôi trong ao của 20 hộ dân nói trên bị chết được hỗ trợ với giá 80.000đ/kg. Trong đó, hộ thiệt hại nặng nhất được hỗ trợ 4,8 triệu đồng, hộ ít nhất được hơn 150.000đ.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Cục trưởng Cục quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường - Bộ TNMT đã cùng với đoàn và đại diện doanh nghiệp tiếp cận, kiểm tra hiện trường, tiến hành lấy mẫu bùn thải tại bể chứa bị vỡ, mẫu bùn ngoài bể chứa bị trôi xuống sau khi vỡ, mẫu nước lấy ở dòng suối và trong ao của dân xảy ra hiện tượng cá chết để phân tích mức độ nhiễm độc.

Tại hiện trường, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết: “Hiện, chúng tôi đang kiểm tra hiện trường vụ vỡ đập chứa thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc. Chúng tôi đã lấy mẫu ở nhiều điểm khác nhau để về phân tích các chỉ số môi trường. Trong những ngày tới, chúng tôi tiếp tục tiến hành kiểm tra tất cả các điểm mỏ thuộc Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh quản lý, khai thác...”.

img

Ông Nguyễn Văn Chiến (áo xanh, đội mũ vàng) – Giám đốc xí nghiệp thiếc. Ảnh: Cảnh Thắng

Cũng theo đánh giá sơ bộ ban đầu của đoàn tại hiện trường ghi nhận được một số vấn đề như đơn vị không sử dụng nước tuần hoàn trong quá trình sản xuất trong việc đánh giá môi trường (ĐTM). Hơn nữa, có một số hồ chứa chất thải không nằm trong ĐTM mà đơn vị đã tự ý xây dựng; mặt khác việc thoát nước mặt, nước mưa đơn vị cũng thực hiện chưa tốt, còn để  nước tự nhiên chảy vào trong khu vực sản xuất và hồ chứa thải…

“Để kết luận thì cần phải có thời gian, đặc biệt là so sánh giữa hồ sơ, thủ tục các loại giấy tờ và thực tế hoạt động của xí nghiệp. Mặt khác, phải có kết quả phân tích mẫu nước thải, bùn thải thì mới kết luận được vấn đề” – Ông Hiền, cho biết thêm.