Dù đã rời Điện Quang vào năm 2010, nhưng bà Hồ Thị Kim Thoa vẫn đang năm 1,68 triệu cổ phần tại đây
Tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức vào chiều 16.3, trả lời những câu hỏi xung quanh vấn đề nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tranh thủ quá trình cổ phần hóa để thâu tóm cổ phần của doanh nghiệp và khối tài sản khủng của thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ông Đặng Quyết Tiến - Cục Phó Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong Luật phòng, chống tham nhũng đã có quy chế, quy định về việc công khai, minh bạch tài sản. Cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nếu xảy ra trường hợp thu nhập, tài sản bất ngờ gia tăng đều phải công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để kiểm tra xem nguồn thu nhập, tài sản đó có nguồn gốc chính đáng hay không?
Liên quan tới việc một số người thân của thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu một số lượng lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ông Đặng Quyết Tiến lý giải: “Việc lãnh đạo của doanh nghiệp không trực tiếp mua cổ phần nhưng con cháu của họ lại tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp, điều này luật không cấm. Con cháu họ hoàn toàn có thể bỏ tiền túi để mua. Nhưng nếu là cán bộ Nhà nước, cần phải công khai thông tin, tiền lương, thu nhập. Ví dụ, thu nhập chỉ có 100 triệu đồng mà sau một năm sở hữu khối tài sản tới hàng chục tỉ thì không được”.
Theo ông Nguyễn Duy Long, Tổ trưởng Biên tập Dự thảo Nghị định chuyên DNNN thành công ty cổ phần, hiện tượng thâu tóm cổ phần tại Công ty Điện Quang là do quá trình thực hiện bán vốn tại công ty cổ phần. Còn theo quy định về cổ phần hóa được thực hiện thí điểm từ năm 1992, lãnh đạo doanh nghiệp được mua cổ phần của doanh nghiệp theo 2 nội dung. Một là, mua cổ phần ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực Nhà nước như đối với tất cả cán bộ, không phân biệt là lãnh đạo doanh nghiệp hay nhân viên. Cụ thể, mỗi năm làm việc trong khu vực Nhà nước được mua 100 cổ phần ưu đãi giá bán bằng 60% trên cơ sở giá bán thấp nhất của giá đấu thành công. Điều này có nghĩa lãnh đạo doanh nghiệp cũng được mua cổ phần với giá ưu đãi giống như toàn bộ cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp.
Ái nữ của bà Hồ Thị Kim Thoa cũng là cổ đông lớn của Điện Quang
Hai là, đối với người lao động là chuyên gia trong doanh nghiệp có trình độ, khả năng cống hiến lớn thì Nghị định 59 và dự thảo lần này tiếp tục duy trì nội dung ngoài ưu đãi theo số năm công tác như trên còn tiếp tục được mua ưu đãi thêm nhưng không được giảm giá mà phải mua theo mức giá đã đấu giá thành công.
Trả lời câu hỏi: “Liệu có xuất hiện lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa tại Công ty Điện Quang hay không?”.
Ông Đặng Quyết Tiến khẳng định: “Không hề có lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa. Thời điểm bà Thoa mua cổ phần của Công ty Điện Quang là thời kỳ khuyến khích mọi người mua cổ phần, những Đảng viên, lãnh đạo doanh nghiệp phải gương mẫu đi đầu trong việc này. Còn sau thời kỳ đó, mọi việc diễn biến ra sao chúng ta cần kiểm tra từng bước một. Hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ công bố”.
Bà Hồ Thị Kim Thoa từng có nhiều năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Mặc dù đã rời Công ty Điện Quang về công tác tại Bộ Công Thương từ năm 2010 với chức danh Thứ trưởng nhưng bà Thoa vẫn sở hữu 1,68 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này. Không chỉ vậy, những thành viên khác trong gia đình bao gồm em trai, em dâu và các con gái của bà Hồ Thị Kim Thoa hiện tại vẫn nắm giữ vị trí cao và sở hữu khối tài sản lớn không kém tại Bóng đèn Điện Quang. Với việc nắm giữ hơn 11,78 triệu cổ phiếu DQC, bà Thoa và các thành viên trong gia đình sở hữu khối tài sản lên tới hơn 718 tỷ đồng tại Bóng đèn Điện Quang.
Bóng đèn Điện Quang vốn xuất thân là các doanh nghiệp Nhà nước, chính thức cổ phần hóa hoàn toàn khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn vào tháng 9.2014.