Không học cơ khí, chỉ học qua lớp học sửa xe máy, anh Trịnh Tý Văn ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã chế tạo ra chiếc máy trồng khoai có 4 tác dụng lên luống, xới đất làm cỏ, tưới phân và dỡ khoai. Để trồng 1 ha khoai tây trước đây cần 10 nhân công lao động, nay với chiếc máy này chỉ cần 1 công.
Clip: Anh nông dân Trịnh Tý Văn - người cải tiến máy cày gấp 10 lần người thường
Gặp anh Trịnh Tý Văn khi anh đang phun phân bón sinh học cho ruộng khoai tây xuân sắp cho thu hoạch. Chỉ chưa đầy 2 tiếng, anh đã phun hết 2 ha khoai tây. Nếu lao động như phương thức ngày xưa, có khi mấy người làm cả ngày mới xong.
Anh Trịnh Tý văn khoe củ khoai tây do chiếc máy cày xới lên
Anh Trịnh Tý Văn là một thành viên của HTX Nông nghiệp Đông Lai, khi HTX triển khai thử nghiệm trồng khoai tây vào vụ đông trên đất lúa 2 vụ. Đây là mô hình mới được xây dựng đầu tiên ở huyện Sóc Sơn và HTX cũng quyết tâm đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Do vậy, các thành viên trong HTX phải đi học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm ở các vùng khác.
“Khi đến Quế Võ (Bắc Ninh), tôi thấy người ta trồng khoai tây bằng máy nhưng hầu như các máy chỉ có làm được có 2 việc là trồng và bón phân, hoặc lên luống và dỡ không có phần xới và tưới. Như thế vẫn cần rất nhiều công lao động, nhất là trồng với diện tích lớn. Vì phải tự làm cỏ, xới đất cũng như dỡ khoai” – anh Văn cho hay.
Khi HTX Nông nghiệp Đông Lai đầu tư hơn 185 triệu để mua máy về phục vụ sản xuất. Anh đã tự mua vật liệu, mày mò thử nghiệm thêm các chức năng khác. Sau lần thứ 10 thất bại, chiếc máy của anh mới bắt đầu hoạt động hiệu quả.
“Từ khi có chiếc máy này, lúc bắt đầu trồng nó lên luống, làm đất vỡ ra. Bà con chỉ việc đặt khoai và phân, sau đó lấp vào. Phần còn lại từ làm cỏ, xới đất, bón phân đều do máy làm. Khi tới ngày thu hoạch, chiếc máy này cũng giúp phần dỡ khoai. Bà con chỉ việc ra đồng nhặt khoai. Dỡ khoai bằng máy không bị trầy xước và có hệ thống làm sạch đất bẩn. Giảm tối đa sức lao động cho bà con. Nếu như trước đây, để trồng 1 ha khoai tây phải mất 10 công nay giảm chỉ còn 1 người và chiếc máy là có thể hoạt động”.
Dùng máy giúp cho HTX Nông nghiệp Đông Lai gieo trồng đúng mùa vụ
Chiếc máy sau khi được anh Văn “chế tạo” lại có giá thành hơn 200 triệu. Chỉ cao hơn đôi chút so với chiếc máy nguyên bản. Nói về ý tưởng đăng kí sáng chế của mình, anh Văn chỉ cười: “Ai cần cứ đến tôi hướng dẫn cho làm, cũng không phức tạp lắm. Chứ cải tiến của tôi có đáng kể gì, chỉ cần mọi người đều áp dụng được, đưa máy móc vào sản xuất, giảm sức người, tăng năng suất lao động là tôi vui rồi”.
Ông Lê Văn Bình – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đông Lai chia sẻ: Từ trước đến nay, ở Đông Lai, người dân chỉ trồng lúa 2 vụ xong lại bỏ không đất. Năm nay, chúng tôi là năm đầu tiên mạnh dạn thử nghiệm trồng khoai tây sạch. Nhờ có các xã viên chịu khó mày mò, sáng tạo như anh Văn, trừ chi phí đầu tư, chúng tôi sẽ có thu nhập khá. Làm tiền đề để sang năm vận động được nhiều xã viên tham gia hơn, tiến tới xây dựng vùng khoai tây vụ đông ở xã”.