Sinh con nối dõi tông đường luôn là chuyện đại sự, chuyện “thiên thu vạn đại” của giang sơn xã tắc. Chính vì vậy, các đấng nam nhi trong hoàng thất xưa kia đều kết hôn rất sớm, thường từ 13 đến 17 tuổi. Thậm chí, ở nhiều triều đại, chuyện “lâm ngự” cơ thể nữ nhi, thành thục chuyện giường chiếu được xem là một tục lệ bắt buộc đối với hoàng đế, thái tử trước khi cưới. Có những vị vua còn sinh con trước lúc thành thân.
Hoàng đế si đần Tư Mã Trung thời Tây Tấn cũng là người có con với tài nữ hậu cung Tạ Am trước khi cưới Giả Nam Phong. Năm đó, Tư Mã Trung mới 13 tuổi. Để giúp con hiểu rõ chuyện phòng the, Tư Mã Viêm đã cho triệu tài nữ Tạ Am vào Đông cung để giảng giải cho Tư Mã Trung, lúc này là thái tử. Ít ai ngờ, lúc Tạ Am rời khỏi cung đã mang trong mình giọt máu của hoàng tộc, về sau sinh cho vua một quý tử. Văn Thành đế nhà Bắc Ngụy cũng làm cha năm 14 tuổi, dù tới 17 tuổi mới chính thức kết hôn.
Cung nữ được tuyển chọn kĩ càng (Ảnh minh họa).
Nhưng tục “kết hôn thử” thì chỉ tồn tại duy nhất trong hoàng thất Đại Thanh. Và đó được xem là quy định chính thức mà các hoàng đế, thái tử đều phải tuân thủ.
Những cung nữ được tuyển chọn làm “vật thí nghiệm” sẽ nhận bổng lộc vua ban hằng tháng và không phải làm những công việc thường ngày trong cung. Vì vậy, nhiều mỹ nữ sau khi được tuyển vào cung đều mong muốn có được cơ hội ngàn vàng này để thoát khỏi bể khổ. Ngoài 8 cung nữ chính thức, còn có thêm 16 cung nữ được phủ nội vụ tuyển chọn để phục vụ hoàng đế. Nhưng không ai được phép hắt hơi, ho hắng, khạc nhổ hoặc phát ra bất kỳ âm thanh khiếm nhã nào làm kinh động tới long thể.
Ngày 29.8.1886, tờ NewYorkTimes cũng đăng tải bài báo có nhan đề: “Những tiết lộ thú vị về cuộc sống hoàng thất triều Thanh Trung Quốc”. Trong đó chỉ rõ, một năm trước khi chính thức lập thái tử phi, phủ tông nhân sẽ chọn ra cung nữ lớn hơn thái tử một tuổi, tới Đông cung giúp vị hoàng đế tương lai này thu nạp kiến thức làm chồng. Nếu thái tử ưng ý và được sự chấp thuận của hoàng thượng, hoàng hậu, cung nữ này sau đó sẽ được lập làm phi tử.
Tục lệ “kết hôn thử” này được lý giải là giúp các tiểu hoàng đế, tiểu thái tử thu lượm kinh nghiệm về chuyện phòng the, tránh cảnh đố kỵ về sau giữa chính cung nương nương và các phi tử.
Một sự thực thú vị không kém là nghi thức này cũng được thực hiện khi các công chúa triều Thanh xuất giá. Sau khi được kén chọn, định thời gian thành thân, phò mã tương lai sẽ được hoàng thái hậu hoặc hoàng hậu đích thân tuyển cho một một cung nữ xứng đáng làm “vật thí nghiệm” với danh phận tạm thời là “cách cách thí hôn”. Cung nữ này sẽ tới nhà phò mã và chung đụng giường chiếu với anh ta ngay tối đó. Sáng sớm hôm sau, “cách cách” giả sẽ được triệu về cung, bẩm tấu tường tận với thái hậu hoặc hoàng hậu những khiếm khuyết về sinh lý, đặc điểm tính cách của phò mã. Nếu mọi thứ tốt đẹp, công chúa sẽ chính thức thành thân. Còn cung nữ này sẽ được giữ lại nhà phò mã làm tì thiếp.