Phạm Phú Vinh - chàng trai Bình Dương được yêu mến bởi lối chơi chắc chắn
Hai chàng trai đầy duyên nợ: Phạm Phú Vinh (THPT Huỳnh Văn Nghệ - Bình Dương) và Nhân Thanh Tùng (THPT Ngọc Hồi – Hà Nội) một lần nữa đối mặt trong cuộc thi tháng 1, quý 3 diễn ra vào ngày 19/3. Đây là phần thi được khán giả “Đường lên đỉnh Olympia” đặc biệt mong đợi trong suốt thời gian qua.
Hai chàng trai được đánh giá ngang tài ngang sức bước vào cuộc thi với phong thái tự tin. Nhân Thanh Tùng chia sẻ, cuộc sống của cậu không hề bị xáo trộn trước dư âm của cuộc thi tuần. Phạm Phú Vinh cũng vậy, tâm lý cậu đã hoàn toàn ổn định khi bước vào cuộc thi tháng.
Ở phần thi Khởi động, cả Phú Vinh và Thanh Tùng đều trải qua cả 12 câu hỏi của chương trình, trong đó, Tùng giành được 40 điểm, còn Phú Vinh chỉ ghi được 30 điểm. Hai chàng trai còn lại cũng giành được 40 điểm Khởi động.
Nhân Thanh Tùng - chàng trai luôn lật ngược tình thế ở phút chót
Trong phần thi Vượt chướng ngại vật, bốn thí sinh không mở được nhiều hàng ngang. Thanh Tùng vì vội vàng đưa ra từ khóa nên đã phải dừng cuộc chơi sớm hơn ba chàng trai còn lại.
Kết thúc phần thi Vượt chướng ngại vật, Thất Chính vươn lên dẫn đầu, còn Thanh Tùng và Phú Vinh đều bị bỏ lại khá xa.
Cả bốn chàng trai đều tỏ rõ sự quyết tâm khi bước vào phần thi Tăng Tốc bởi, đúng như cái tên của nó, đây là phần thi tạo ra nhiều thay đổi về mặt điểm số. Phú Vinh là thí sinh tăng tốc xuất sắc nhất khi liên tục trả lời đúng trong thời gian ngắn, vươn lên dẫn đầu đoàn đua với 160 điểm.
Clip phần thi Khởi động và Về đích của Nhân Thanh Tùng (Clip: VTV)
Trong khi đó, với 90 điểm, Thanh Tùng xếp ở vị trí cuối đoàn đua. Sự cách biệt điểm số khiến cho nhiều người hy vọng, Phú Vinh sẽ bước lên ngôi vô địch của cuộc thi tháng và nhận vòng nguyệt quế thực sự.
Thế nhưng, phần thi cuối cùng (Về đích) đã thay đổi hoàn toàn kết quả. Thanh Tùng được đánh giá “càng chơi càng hay” khi trả lời đúng nhiều câu hỏi trong gói điểm của mình và liên tục giành được điểm số từ các thí sinh khác.
Phần thi Khởi động và Về đích của Phạm Phú Vinh (Clip: VTV)
Câu hỏi cuối cùng quyết định kết quả chung cuộc của vòng thi tháng được dành cho Phạm Phú Vinh nhưng người giành được điểm của câu hỏi này lại là Nhân Thanh Tùng. Chàng trai “vàng” của trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) xuất sắc vươn lên dẫn đầu đoàn đua với 190 điểm và giành được chiếc vòng nguyệt quế danh giá.
Trong khi đó, Phạm Phú Vinh bị trừ điểm và chỉ xếp thứ ba trong đoàn đua.
Một lần nữa bại trận trước đối thủ đầy duyên nợ, Phú Vinh tỏ ra khá tiếc nuối. Nhắc đến cuộc thi tháng, chàng trai Bình Dương nói đầy xót xa: “Mình không thích trận tháng… Đau lắm! Nhưng Thanh Tùng quả thật rất xứng đáng với ngôi vô địch”.
"Càng chơi càng hay" nên Thanh Tùng đã bước lên ngôi vô địch
Cuộc thi gay cấn giữa Nhân Thanh Tùng và Phạm Phú Vinh để lại nhiều cảm xúc cho khán giả Olympia. Đa phần đều tiếc nuối cho chàng trai Bình Dương, vì thiếu bình tĩnh ở câu hỏi cuối cùng nên đã mất vòng nguyệt quế.
“Bài học tâm lý không bao giờ thừa, lúc nào cũng có những biểu hiện nhãn tiền nhưng bài học này quá khó học trong một sớm một chiều với tất cả chúng ta. Và hậu quả của nó thì đến với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào”, Lê Duy Bách (chàng trai nổi tiếng Olympia 2016 với lối chơi tốc độ) bình luận.
“Câu cuối Phú Vinh đã nghe được nhưng nhất thời không nghĩ ra sắt trong tiếng Anh nghĩa là gì. Tâm lý bất ổn làm hỏng cả chặng đường…nhưng dù sao cậu ấy cũng rất xuất sắc”, nick name Phùng Xuân Minh viết.
Trong đó, thí sinh Nhân Thanh Tùng trả lời sai hai câu hỏi Hóa học nhưng vẫn được cho điểm, dẫn đến kết quả chung cuộc thiếu thỏa đáng. Vòng nguyệt quế đáng lẽ thuộc về Phạm Phú Vinh lại được trao cho Nhân Thanh Tùng. Ngày 9/3, ban tổ chức Đường lên Đỉnh Olympia công khai thừa nhận sai sót, gửi lời xin lỗi thí sinh Phạm Phú Vinh và trao cho cậu vòng nguyệt quế danh dự. Tuy nhiên, kết quả của cuộc thi tuần vẫn được giữ nguyên. Đồng thời, ban tổ chức cũng đưa ra đáp án đúng cho hai câu hỏi Hóa học gây thắc mắc trên. “Câu 1: Người ta có thể bảo vệ vỏ tàu biển bằng thép bằng cách gắn những tấm kẽm vào phần vỏ tàu chìm trong nước biển (nước biển là dung dịch chất điện ly). Tại sao lại như vậy? Câu trả lời mà bạn Thanh Tùng đưa ra là: Người ta thường gắn thép vào vỏ sắt của tàu biển vì khi đó sắt đóng vai trò là cực anot còn kẽm là catot. Khi đó thì kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ. Ở câu hỏi này, học sinh đã trả lời được ý đúng là "kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ", tuy nhiên giải thích của học sinh về "sắt đóng vai trò là cực anot còn kẽm là catot" là sai. Chương trình đã không phát hiện ra ý sai này trong câu trả lời của học sinh nên đã cho điểm. Câu 2: Đốt cháy que đóm và dây magie rồi lần lượt cho vào bình đựng khí CO2. Tại sao que đóm tắt ngay, còn dây magie thì lại cháy sáng? Câu trả lời mà bạn Thanh Tùng đưa ra là: Bởi vì CO2 là một khí không duy trì sự cháy nên khi cho que đóm vào, nó sẽ tắt đi. Còn việc magie phát sáng là do đốt lên sẽ có MgO và đấy là chất phát sáng khi cháy. Ở câu hỏi này, chương trình đã có sai sót khi cho rằng học sinh đã trả lời được chất tạo thành sau phản ứng, đã nói đến sự cháy của Mg trong CO2 nên đã cho điểm”. |