Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (đứng) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20.3.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Nợ công tăng nhanh theo tôi trước hết là do chúng ta. Chúng ta biết giai đoạn 2011 -2015, tăng trưởng kinh tế của chúng ta đặt ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là 7,5%. Sau đó tình hình suy giảm kinh tế thế giới chúng ta mới điều chỉnh lại mức tăng trưởng từ 6,5 đến 7%. "Nhưng thực tế cả nhiệm kỳ chúng ta chỉ đạt được 5,9%. "Tốc độ tăng trưởng kinh tế là như vậy, trong khi đảm bảo các yêu cầu khác đề ra như an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ tăng, do đó trong thời gian dài bội chi rất cao" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, việc giải ngân vốn ODA tăng nhanh. Chúng ta để bội chi đến 5,6 -5,7%, như vậy là quá cao. Theo Luật ngân sách cũ ngoài khoản bội chi này chúng ta còn phát hành thêm trái phiếu Chính phủ 330 nghìn tỷ đồng, cho nên tổng số vay của cả giai đoạn là 1,4 triệu tỷ đồng, như nợ công tăng nhanh là đúng rồi" - Bộ trưởng Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nợ công tăng nhanh là do nhiều yếu tố tác động vào, đầu chi là do nhu cầu quá lớn nên vay lớn trong khi đầu thu có mức độ và đặc biệt là mẫu số tốc độ tăng trưởng kinh tế giá trị GDP thực tế thấp so với dự báo, dự toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong giai đoạn 2011 -2013, để huy động vốn chúng ta huy động vốn quá nóng, thời gian ngắn chỉ từ 1 -3 năm, lãi suất quá cao, có khoản vay lãi suất từ 11 -13%/năm. Chính vì thế dồn áp lực trả nợ vào những năm 2014, 2015, 2016 và 2017.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2015 -2016, chúng ta đã cơ cấu lại các khoản nợ rất tốt, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ trong nước. Thời gian phát hành trái phiếu tăng hơn, lãi suất chỉ trên khoảng 6%, thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động của giai đoạn 2011 -2013.
Chốt lại vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Nợ công tăng nhanh là thực tế khách quan, khả năng thì có hạn nhu cầu chi tiêu lớn, chúng ta quyết chi tiêu theo nhu cầu trong khi tăng trưởng kinh tế thì thấp.