Thức dậy từ 4 giờ sáng, trong căn bếp tối chật chội, chị em bà Chau đang hoàn thành nốt việc nhào bột và nấu nướng. Nhưng phải đến 11h trưa, công việc mới hoàn thành. Sau đó đến công đoạn còn khó khăn hơn nữa, là đem bán số đồ ăn vừa làm ra.
Bà Chau Chung Muoi năm nay đã 70 tuổi. Còn em gái bà - Dao Muoi năm nay 61. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cả hai vẫn đều đặn đẩy xe đi khắp các con phố đông đúc tại TP HCM.
Nếu có thể bán hết số đồ ăn đó trong ngày, thường là từ 6h đến 9h tối, họ sẽ kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Đó là cách họ kiếm sống hàng chục năm nay, và có lẽ đến cuối đời. “Tôi đã nghĩ đến việc nghỉ làm rồi đấy chứ. Nhưng nếu thế thì lấy đâu ra tiền mà sống”, bà Dao Muoi cho biết.
Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh từ thập niên 90 đã đưa Việt Nam từ nhóm nước nghèo nhất thế giới lên ngưỡng trung bình, không phải ai cũng được hưởng thành quả này. Ví dụ như những người già nghèo khổ.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc (UN), ngày càng nhiều người Việt Nam phải làm việc kiếm sống ở tuổi xế chiều. Khoảng 40% người trong độ tuổi 70 - 74 vẫn đang đi làm.
Khoảng 7 trên 10 lao động lớn tuổi ở các đô thị Việt Nam làm những việc trong các lĩnh vực như bán hàng rong, lái taxi, đồng nát. Đây đều là những công việc khá vất vả với thu nhập thấp. Việc này cũng có nghĩa họ cả đời sẽ mắc kẹt trong nghèo khó, và không có tiền tiết kiệm về già.
“Mỗi lần đau chân, tôi đều không làm việc được. Cứ kiếm được tiền là phải chi tiêu hết rồi, nên không đi làm thì chẳng có gì bỏ bụng”, bà Dao Muoi cho biết.
Cả hai chị em bà còn bị bệnh tim, khớp và cao huyết áp. Họ từng phải nuôi cha mẹ và hai anh em trai. Cả 4 người này đều bị mù trước khi qua đời. Điều này cũng có nghĩa hai bà phải từ bỏ cơ hội lập gia đình và sinh con. “Đến khi chúng tôi đau ốm, sẽ chẳng còn ai chăm sóc nữa”, bà nói.
Dân số Việt Nam vẫn còn khá trẻ - chỉ hơn 10% là từ 60 trở lên. Tuy nhiên, tốc độ già hóa đang tăng rất nhanh. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, gần một phần năm dân số sẽ bước vào tuổi già. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 30%.
“Tốc độ già hóa tại Việt Nam hiện nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới, nhưng nó lại diễn ra trong bối cảnh mức thu nhập thấp hơn nhiều các nước cũng già hóa khác”, WB cảnh báo trong một báo cáo năm 2016.
Theo số liệu chính thức, khoảng 11% dân số Việt Nam hiện sống dưới mức nghèo khổ. Tại các vùng thành thị, chuẩn nghèo chính thức là 900.000 đồng một người mỗi tháng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng số người nghèo thực sự có thể còn lớn hơn. Do rất nhiều người chỉ có thu nhập nhỉnh hơn mốc này. “Nếu nâng chuẩn thêm 20%, lên 1,08 triệu đồng, tỷ lệ nghèo khổ sẽ tăng gấp đôi, lên 22%”, Nguyễn Ngọc Quỳnh - nhà phân tích tại Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết.
Chính quyền cũng có hỗ trợ cho những người già nghèo khổ mà không có lương hưu. Tuy nhiên, giới phân tích cho biết khoản trợ cấp này không đáng kể, và chỉ khoảng 20% số người là được nhận.
Điều kiện có trợ cấp là trên 80 tuổi. Hoặc nếu từ 60 - 79 tuổi, họ phải được xác nhận là người nghèo.
Hai chị em bà Chau rơi vào trường hợp thứ 2, nên được trợ cấp 14 USD hằng tháng. Tuy nhiên, họ khó có thể sống chỉ bằng số tiền này.
Dù vậy, họ vẫn còn khá may mắn vì ngoài tiền trợ cấp, cả hai còn có căn nhà cha mẹ để lại. Thế nên, họ không phải đi thuê. Và nhờ được xác nhận là người nghèo, họ cũng được khám chữa bệnh miễn phí tại các bệnh viện, phòng khám công.
Tại một khu lao động khác, 38 người cao tuổi lại đang chen chúc trong một căn phòng còn nhỏ hơn nhà của bà Chau. Nó nhỏ đến nỗi những người sống tại đây, có cả người khuyết tật, phải thay phiên nhau ngủ trên sàn nhà.
Tất cả đều đến từ Phú Yên - một thành phố ven biển cách đó 600 km. Họ nằm trong số hàng nghìn người đến đây từ các vùng nông thôn - nơi nghèo đói và thất nghiệp còn tồi tệ hơn. Đặc biệt là với những người già, khi không còn khả năng làm ruộng và đi biển.
“Các con chúng tôi đã sống rất khổ cực khi làm ruộng, đi biển rồi. Chúng còn không kiếm đủ tiền nuôi con cái chúng, nữa là lo cho chúng tôi”, ông Ngo Van Tieng cho biết. Và vì thế, cũng như hàng chục người khác ở đây, ông rời bỏ người vợ và 4 đứa con, để lên TP HCM kiếm sống.
Những người như ông đã cùng tụ tập lại một chỗ. Mỗi tối, họ chia nhau bán vé số trên đường. Những người khiếm thị hoặc quá yếu sẽ đi cùng một người khác.
Bán được một vé, họ sẽ được 1.000 đồng. Đêm đến, họ gộp lại và chia đều tiền cho nhau. Sau khi trừ tiền thức ăn và thuê nhà, mỗi người có thể tiết kiệm được 1,5 triệu đồng sau 3 tháng, ông Tieng cho biết.
Dù vậy, số tiền này có thể bốc hơi hết nếu bị trộm cắp, đau ốm hay tai nạn. Tháng 5/2016, bà Trần Thị Hương (82 tuổi) - một người sống cùng nhà với ông - ngã xe máy và phải vào viện. Tổng chi phí hết 1,3 triệu đồng. Nhưng không có hộ khẩu TP HCM, bà không thể đăng ký hỗ trợ khám chữa bệnh tại đây.
Theo các khảo sát, ngày càng nhiều người già Việt Nam sống một mình. Tại các đô thị, hơn 11% người có tuổi trên 80 không sống cùng người thân. Cùng với việc tỷ lệ sinh giảm, những bậc cha mẹ này sẽ khó có người chăm sóc khi về già.
Tại Việt Nam, những người làm việc trong các doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội, khu vực công sẽ có lương hưu. Tuy nhiên, nhóm người này chỉ chiếm khoảng 30% người cao tuổi. Chính phủ đã cố gắng khuyến khích những người làm việc trong các ngành phi chính thức tự nguyện đóng góp vào quỹ hưu trí, nhưng không mấy thành công.
Khi nói về việc cải thiện hệ thống phúc lợi, ông Giang Thanh Long - giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân thừa nhận ngân sách Chính phủ còn hạn chế. “Vì thế, chúng ta cần mở rộng diện chi trả và tăng mức phúc lợi dần dần”, ông nói.
Nhiều chuyên gia thì tỏ ra lo ngại, rằng với khối nợ công ngày một tăng, việc tăng chi cho phúc lợi xã hội càng khó. Tuy nhiên, bà Quỳnh thì không cho rằng thiếu hụt ngân sách là vấn đề lớn. Bà cho rằng Chính phủ chỉ cần phân bổ lại ngân sách để giúp những người già nghèo khổ.
Còn với chị em bà Chau, giờ đây việc gì cũng có thể là quá muộn. “Cuộc sống khổ cực lắm. Tôi cũng chẳng vui vẻ gì. Nhưng đây là cuộc đời của tôi mà”, bà Dao Muoi cho biết.