Dân Việt

Cổ phiếu nông nghiệp: Ngược đà tăng, cổ phiếu vợ chồng Đặng Văn Thành đi ngang

Ngân Nguyễn 20/03/2017 18:41 GMT+7
Ngược với xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu mía đường, cổ phiếu của vợ chồng Đặng Văn Thành đi ngang với thanh khoản cao. Cổ phiếu SBT vẫn trong xu hướng đi ngang, chốt phiên tham chiếu với gần 1,2 triệu cổ phiếu được giao dịch.

img

Chốt phiên giao dịch đầu tuần, ngày 20.3, thị trường bật tăng mạnh mẽ sau tuần diễn ra cuộc họp của FED và kỳ cơ cấu danh mục đầu tiên trong năm của hai ETF đi qua. Thanh khoản trên hai sàn giảm so với phiên giao dịch trước (do phiên cuối tuần vừa qua thanh khoản tăng đội biến bởi tới hoạt động cơ cấu danh mục của các ETF) nhưng cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường trong thời gian gần đây

Tuy vậy, thanh khoản của sàn HOSE chịu ảnh hưởng mạnh từ cổ phiếu ROS khi giá trị giao dịch của cổ phiếu này lên tới gần 890 tỷ đồng.  Các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, CTG, MSN, BVH, VJC, NVL,… tăng tích cực hỗ trợ đáng kể cho chỉ số VN-Index bất chấp việc cổ phiếu ROS giảm 5,4%.

Diễn biến của thị trường cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang tích cực trở lại, dòng tiền vẫn tập trung đi vào nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tích cực trên sàn HOSE với giá trị mua ròng đạt 144 tỷ đồng, NVL, VNM là hai mã được khối ngoại mua ròng tích cực nhất và ROS là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất.

img

Về cổ phiếu nông nghiệp, nhóm cổ phiếu đường giao dịch sôi động với thanh khoản đột biến, cuối phiên phần lớn cổ phiếu nhóm này đều tăng mạnh: LSS (+6,8%), BHS (+6,5%), QNS (+3%), SLS (+3,2%).

Cổ phiếu LSS chạm trần, dư mua lớn tại mức giá cao, khớp ~1,4 triệu cổ phiếu (tăng 3x so với KLGD trung bình 10 phiên). Cổ phiếu BHS tăng mạnh 6,5%  với khối lượng giao dịch đạt trên 4 triệu cổ phiếu.

Riêng cổ phiếu SBT của vợ chồng Đặng Văn Thành vẫn trong xu hướng đi ngang, chốt phiên tham chiếu với ~1,2 triệu cổ phiếu được giao dịch. P/E nhóm ngành đường là 13,36x, thấp hơn so với P/E toàn thị trường là 16,6x.

Bộ đôi cổ phiếu HAG, HNG của Bầu Đức tiếp tục duy trì đà tăng tích cực trong vài phiên gần đây.

Theo báo cáo của Hiệp hội Đường, thị trường đường thế giới trong niên vụ 2016/2017, vẫn giữ nguyên nhận định thiếu đường trước đây: gồm 3 yếu tố chủ yếu: Tiêu dùng cao hơn so với sản xuất (cung); Cân đối thương mại căng thẳng; Tỷ lệ tồn kho so với tiêu dùng giảm đến mức thấp nhất từ niên vụ 2010/2011. Sản lượng đường thế giới được dự báo là 168,334 triệu tấn (tăng 1,36% so vụ trước), nhưng vẫn còn thấp xa nhu cầu sử dụng 174,203 triệu tấn (tăng 1,62% so vụ trước).

Mặc dù sản lượng đường tăng nhưng khả năng xuất khẩu giảm, vụ 2015/2016 xuất khẩu: 58,955 triệu tấn, nhưng niên vụ 2016/2017 khả năng xuất khẩu: chỉ 58,250 triệu tấn, do sản lượng đường ở các nước xuất khẩu giảm. Nhu cầu nhập khẩu đường cũng giảm, vụ 2015/2016: 59,194 triệu tấn, vụ 2016/2017: 58,095 triệu tấn, do các nước nhập khẩu đường tăng sản lượng sản xuất trong nước.

img

P/E nhóm ngành nông nghiệp

Hiệp Hội Đường cũng cho biết, thị trường sắp tới sẽ sôi động; sự thiếu hụt cung toàn cầu khiến giá đường thế giới sẽ tăng trong niên vụ  2016/2017. Sau lễ Noel và năm mới, giá trên thị trường thế giới của cả 2 loại đường thô và đường trắng đều biến động. Giá đường thô (the ISA daily price) giảm nhẹ xuống 17,8 cents/lb vào giữa tháng 12.2016, nhưng đến cuối tháng lên tới 19,20 cents/lb.

Trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2017, giá đường thô giao ngay trong khoảng 19,92 – 20,92 cents/lb. Giá đường trắng giao ngay (the ISO white sugar price index) cũng biến động tương tự, giảm xuống 484,55 USD/tấn (21,98 cents/lb) và 556 USD/tấn (25,2 cents/lb) trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2.

imgimgimg