Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Theo bản thảo của Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, bộ tiêu chí được chia làm 7 nhóm tiêu chí thuộc các lĩnh vực Chính trị và quản lý nhà nước, Kinh tế, Văn hóa - xã hội, Y tế - giáo dục, Đô thị, Môi trường tự nhiên, và Nghĩa tình. Các nhóm tiêu chí này được chia làm 23 nhóm tiêu chí cấp 2 và có tổng cộng 118 chỉ tiêu.
Đáng chú trong trong nhóm Văn hóa - xã hội, để làm thước đo cho nhóm tiêu chí cấp 2 là Phát triển thông tin và truyền thông, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đề nghị tính tới chỉ tiêu tốc độ đường truyền Internet.
Góp ý về chỉ tiêu này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, truy cập Internet để phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng là một vấn đề cần xem xét tới. Internet hiện nay có mặt trái của nó, nên ở đâu sử dụng mạng xã hội nhiều chưa chắc chỉ số hành phúc ở nơi đó tốt hơn, thậm chí khiến người ta sơ cứng trong các hoạt động thực tế.
“Tôi từng chứng kiến rồi. Tôi bước vào một quán ăn, nhìn thấy 3 mẹ con cầm 3 cái điện thoại. Họ ngồi ăn mà cứ mạnh mẹ mẹ quẹt, mạnh con con quẹt. Đây cũng là tình trạng thực tế hiện nay chứ không có gì xa lạ. Chẳng hạn trong một gia đình, hết bữa ăn tối thì mọi người thường xem tivi, nhưng mỗi người lại cầm một cái máy để quẹt như một con rô-bốt”, ông Phong nói.
“Chúng ta có nhiều phương tiện hiện đại để vượt qua khoảng cách hàng trăm, hàng ngàn cây số, nhưng nhà hàng xóm ngay bên cạnh lại trở nên quá xa. Đối với một thành phố phương Đông mà như vậy thì không thể nói là có cuộc sống tốt được”, ông Phong nói và đề nghị Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM lưu ý để xây dựng lại bộ tiêu chí hoàn chỉnh hơn.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, nhiều người đang “quẹt” điện thoại như một con rô-bốt
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, trong buổi gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào trưa cùng ngày, ông cũng nhận được một câu hỏi liên quan tới vấn đề trên, đó là: “Người dân TP.HCM sử dụng mạng xã hội nhiều không?”. Theo ông Phong, người dân TP.HCM sử dụng mạng xã hội rất nhiều và phục vụ cho nhiều khía cạnh khác nhau. Internet giúp nâng cao vốn sống nhưng nếu không khéo, sẽ trở thành một trở ngại rất lớn cho sự phát triển tư duy, cách sống.
Còn ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, do hai luồng tư tưởng của phương Đông và phương Tây rất khác nhau nên việc xây dựng bộ tiêu chí gặp không ít khó khăn. Nếu như phương Đông quan điểm cuộc sống thoải mái, vui vẻ, không lo nghĩ đã là hạnh phúc, thì đối với phương Tây họ thiên về vật chất hơn.
“Bộ tiêu chí hiện tại có định tính nhiều hơn, chứ chưa xác định định lượng như thế nào. Ví dụ, tội phạm phải kéo giảm tới cỡ nào, mức bao nhiêu thì mới bảo đảm sống tốt”, ông Hoan nói và góp ý Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nên đề ra mức chặn trên, chặn dưới cụ thể cho các chỉ tiêu.
Sau khi bàn thảo giữa các bên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tiếp tục hoàn thành bộ tiêu chí trong vòng 2 tháng tới.
Theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, TP.HCM là thành phố có quy mô dân số lớn, khoảng 13 triệu người. Đặc biệt trong vòng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng dân số khá nhanh với luồng dân nhập cư từ các tỉnh đổ dồn về. Một số dự báo cho năm 2020 và 2025 đều “phá sản”. Với 13 triệu dân hiện tại, dự báo quy mô dân số có thể lên đến 14 triệu vào năm 2020, 15 triệu vào năm 2025, thậm chí không loại trừ khả năng lên đến 16 triệu vào năm 2030. |