Trong một thông báo, người phát ngôn trên nêu rõ: "Bộ chỉ huy Thái Bình Dương đã phát hiện cái mà chúng tôi đánh giá là một nỗ lực phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên ở gần Kalma. Một tên lửa dường như đã phát nổ vài giây sau khi được phóng".
Người phát ngôn Benham nói thêm rằng hiện công tác đánh giá chi tiết vụ phóng trên đang được tiến hành.
Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc cũng cho biết tên lửa mà Triều Tiên phóng đã nổ trên không và họ đang tiến hành phân tích nguyên nhân thất bại của vụ phóng này.
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết Triều Tiên có thể đã phóng một vài tên lửa từ căn cứ quân sự Wonsan gần khu vực bờ biển phía Đông của Triều Tiên. Tuy nhiên chưa rõ chủng loại tên lửa được phóng và dường như vụ phóng đã thất bại.
Đầu tháng Ba Triều Tiên đã bắn 4 tên lửa. Vụ phóng tên lửa Triều Tiên diễn ra từ khu vực Tongchang-ri, gần biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc, các tên lửa bay được khoảng 1.000km, đạt chiều cao 260 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông nước này.
Vụ bắn mới nhất diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng đẩy lên những mức độ cao hơn dẫn đến lo ngại xung đột quân sự hoặc những cuộc trả đũa bằng quân sự có thể sẽ xảy ra trong khu vực Đông Bắc Á.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng đã tiếp tục lên tiếng đe dọa sẽ tấn công Mỹ nếu thấy có bất cứ hành động “xâm lược” nào từ phía đối phương.
Hãng tin Reuters ngày 21.3 dẫn lời ông Choe Myong Nam, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở Geneva tuyên bố: Triều Tiên không có gì phải sợ bất cứ hành động nào của Mỹ muốn mở rộng các biện pháp trừng phạt chia cắt Bình Nhưỡng với hệ thống tài chính toàn cầu và sẽ theo đuổi việc phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Ông Choe tố cáo các cuộc tập trận chung hàng năm đang diễn ra giữa Mỹ với Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời chỉ trích những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ trong các cuộc hội đàm với các đồng minh trong khu vực tuần trước.
Triều Tiên bác tuyên bố của Mỹ và Hàn Quốc rằng các cuộc tập trận chung mang mục đích phòng vệ.
“Với lực lượng quân sự khổng lồ tham gia vào các cuộc tập trận chung đó, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hạt nhân và các chương trình tên lửa hạt nhân”, ông Choe nhấn mạnh.
Trong khi đó, Reuters cũng dẫn lời một quan chức cao cấp của Mỹ tại Washington, hôm 20.3 thông báo rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc các chế tài trong khuôn khổ xem xét các biện pháp chống lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Đặc sứ Triều Tiên cũng cho biết: “Chúng tôi tăng cường khả năng quốc phòng cũng như khả năng tấn công phủ đầu với các lực lượng hạt nhân như một trọng tâm.”
Phản ứng trước tuyên bố của ông Choe, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Anna Richey-Allen kêu gọi Triều Tiên ‘kiềm chế các hành động khiêu khích và những lời lẽ khích động... có sự lựa chọn chiến lược để hoàn thành các nghĩa vụ và cam kết quốc tế, trở lại các cuộc đàm phán nghiêm túc.’
Theo giới phân tích, chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể đã làm chủ được công nghệ tiếp sức cho các giai đoạn khác nhau của một tên lửa đạn đạo liên lục địa và sẽ sớm phô diễn, nhưng tên lửa của Bình Nhưỡng có phần chắc còn lâu mới có thể đánh trúng lãnh thổ Mỹ.
Đặc sứ Triều Tiên cảnh báo: “Mỹ lâu nay nói về việc mở các cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên. Và chúng tôi đã chuẩn bị để phản công. Chúng tôi sẽ vận dụng mọi phương tiện có thể trong tay và tên lửa đạn đạo liên lục địa là một trong số đó.”
Trong nghiên cứu Loại bỏ mối đe dọa hạt nhân, Stratfor nhận định Triều Tiên có hệ thống phòng không dày đặc và bố trí chặt chẽ, nhưng lạc hậu và gần như không có khả năng phát hiện những máy bay tàng hình tối tân như oanh tạc cơ B-2 và tiêm kích F-22. Nhờ năng lực xâm nhập và bắn phá vượt trội, 2 loại máy bay đắt tiền này sẽ hình thành đội hình chủ lực cho mọi chiến dịch chống Triều Tiên của Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, Mỹ đã sẵn sàng các kịch bản trong trường hợp xấu đối với vấn đề Triều Tiên. Theo phân tích, Washington có thể triển khai 10 chiếc B-2 cho sứ mệnh tấn công sâu vào lãnh thổ Triều Tiên vì có thể bay tới hơn 11.000 km mà không cần tiếp liệu và thả bom chính xác trong mọi điều kiện thời tiết. Mỗi chiếc mang được tối đa 16 quả bom thông minh GBU-31 JDAM 900 kg hoặc một cặp bom phá boong ke hạng nặng GBU-57 13.600 kg.
Theo Stratfor, với 10 quả GBU-57 13.600 kg và 80 quả GBU-31 JDAM 900 kg, chỉ riêng đội oanh tạc cơ B-2 đã thừa sức phá hủy hoặc ít nhất là gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng hạt nhân cùng kho vũ khí của Triều Tiên.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Chuyên gia Harry Kazianis của National Interest cho rằng Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra trước khi tính đến phương án can thiệp bằng vũ lực vào Triều Tiên.
Ông Kazianis cho rằng nếu muốn phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Triều Tiên, Mỹ sẽ phải huy động một lực lượng lớn binh sĩ, khí tài hạng nặng cùng các đơn vị hậu cần, tiếp tế đến Hàn Quốc. Quá trình chuẩn bị rầm rộ như vậy không thể qua mắt các đơn vị tình báo của Triều Tiên. Và đó sẽ là lý do để Triều Tiên phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm đáp trả "động thái gây hấn" của Mỹ. Hậu quả của chiến tranh hạt nhân thì khó ai tưởng tượng được hết.