Chốt phiên giao dịch ngày 22.3, thị trường bất ngờ lao dốc vào phiên chiều khi hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo và giảm mạnh. Đáng chú ý rằng hầu như trong suốt phiên giao dịch, mặc dù VN-Index tăng cao có lúc chạm mốc 720 điểm nhưng số cổ phiếu giảm điểm vẫn lấn át cổ phiếu tăng điểm và hiệu ứng càng lan tỏa dần về cuối phiên (172 mã giảm/83 mã tăng).
Các mã vốn hóa lớn như VNM, VIC, EIB, MSN tăng điểm nhưng vẫn không đủ sức để nâng đỡ chỉ số. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 0,45% về còn 712,94 điểm và HNX-Index giảm 0,4% còn 89,77 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng với tống giá trị giao dịch cả hai sàn đạt hơn 5.700 tỷ đồng. Nếu không kể đến phiên cơ cấu danh mục của ETF vừa qua thì đây là mức giá trị giao dịch cao nhất kể từ cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Brexit vào ngày 24.6.2016.
Dường như có sự tương đồng của giao dịch hai phiên này là đều vào thời điểm cuối quý và điểm số thị trường giảm mạnh cùng thanh khoản tăng cao. Ngoài các cổ phiếu bị bán mạnh, dòng tiền hôm nay còn tập trung ở một số mã đầu cơ như ROS, FLC, ITA
Ngoài ra, còn nhiều nhóm ngành khác cũng đồng thuận giảm như BĐS khu công nghiệp, dầu khí, chứng khoán, dược phẩm. Phía ngược lại, các cổ phiếu PDR, FCN, HT1, BBC, DHG, NT2, TMS vẫn giữ mức tăng tích cực đi ngược với xu hướng chung.
Ở giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trên cả hai sàn với giá trị mua ròng trên HOSE là 18,6 tỷ đồng và trên HNX là 17,1 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là VNM (+77,8 tỷ), VJC (+17,1 tỷ) và NT2 (+9,3 tỷ) trong khi SSI (-33,3 tỷ), ROS (-28,5 tỷ), VCB (-12,3 tỷ), DXG (-11,2 tỷ) là các cổ phiếu bị bán ròng nhiều.
Về cổ phiếu nông nghiệp, cổ phiếu Bầu Đức là HAG và HNG trở thành tâm điểm chú ý của thị trường khi vẫn giữ vững sắc xanh khi thị trường điều chỉnh mạnh. Trong phiên, HAG và HNG đều có thời điểm tăng trần nhưng áp lực bán cuối phiên đã khiến đà tăng của 2 mã cổ phiếu này chững lại, chốt phiên HAG đạt 9.680 đồng (+3,9%) và HNG đạt 11.000 đồng (+5,3%). HAG sẽ có thể giảm bớt áp lực dòng tiền trong những năm tới khi các trái chủ nắm giữ hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu đồng ý gia hạn thời gian trả nợ từ 3 đến 6 năm.
Trong khi đó, nhóm cao su tự nhiên đã có mức giảm mạnh nhất như PHR (-6,2%), DPR (-6,5%) và TRC (-4,2%). Giá cao su kỳ hạn TOCOM hôm nay tiếp tục giảm sâu hơn 5% cùng với diễn biến của giá dầu và áp lực từ đồng JPY tăng giá.