Dân Việt

Bộ KH&CN tập trung thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Minh Phong 23/03/2017 11:08 GMT+7
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định sẽ tập trung mạnh mẽ hơn vào việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu triển khai, thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam.

Ngày hôm nay (22.3) Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước” diễn ra sáng nay 22/3 tại Hà Nội. Hội thảo diễn ra với 2 chủ đề: “Khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ và “Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII)”.img

Hội thảo diễn ra trong dịp Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ KH&CN. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với WIPO đồng thời tranh thủ sự trợ giúp của WIPO trong các vấn đề về SHTT.

Chuyến thăm lần này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh lĩnh vực SHTT trong thời gian tới, để SHTT thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ KH&CN khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tập trung mạnh mẽ hơn vào việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu triển khai, thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam.

“Chính phủ sẽ hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức KH&CN trong xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, tạo ra các mạng lưới, hạ tầng giúp cho các chủ thể của quá trình có những định hướng và sự hỗ trợ thiết thực nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo” – ông Chu Ngọc Anh cho biết.

Còn ông Francis Gurry cũng khẳng định, với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mới này, bắt đầu bằng sự trợ giúp về phương pháp tính toán, xử lý số liệu và tư vấn giải pháp cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo, cũng như vấn đề bảo hộ thực thi quyền SHTT toàn cầu.

WIPO hiện đang cung cấp dịch vụ để có được quyền SHTT ở nhiều quốc gia và giải quyết tranh chấp. WIPO cũng cung cấp các chương trình xây dựng năng lực để giúp các nước đang phát triển hưởng lợi từ việc sử dụng SHTT và cho phép việc tiếp cận miễn phí các ngân hàng thông tin về SHTT.img

Được biết, Bộ KH&CN đang xây dựng đề án thiết lập một mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, hỗ trợ các thành viên mạng lưới tiếp cận với thông tin KH&CN chất lượng cao và các dịch vụ liên quan, khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo và xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện đã có 28 viện nghiên cứu, trường đại học đồng ý tham gia vào mạng lưới IP-Hub với mục tiêu thành lập được các Trung tâm SHTT để xử lý tại chỗ các vấn đề liên quan đến SHTT. 

Sau hội thảo, WIPO và Bộ KH&CN đã ký kết Bản ghi nhớ về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam.

Qua đó thiết lập một cơ chế hợp tác chính thức giữa hai bên trong việc triển khai xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia cho Việt Nam, nhằm giải quyết các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của đất nước trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, đồng thời thống nhất với chính sách phát triển và mục tiêu kinh tế chung của quốc gia.

WIPO là diễn đàn toàn cầu về chính sách sở hữu trí tuệ, dịch vụ, thông tin và hợp tác. Đây là cơ quan chuyên trách của Liên hiệp quốc đã hỗ trợ 189 thành viên xây dựng khung pháp lý quốc tế cân bằng về luật SHTT để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. WIPO cung cấp dịch vụ để có được quyền sở hữu trí tuệ ở nhiều quốc gia và giải quyết tranh chấp.

Theo công bố mới nhất của WIPO về chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST), năm 2016, Việt Nam xếp thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng.