Tâm điểm của thị trường trong những phiên giao dịch gần đây là mã cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu. Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 24.3, cổ phiếu ACB tiếp tục tăng thêm 800 đồng/CP (tăng 3,2%), đạt giá trị 25.700 đồng/CP, phá vỡ đỉnh 7 năm vừa mới thiết lập hồi đầu tháng 2.2017. Đặc biệt, dòng tiền đang tiếp tục đổ về cổ phiếu này với khối lượng khủng trong khá nhiều phiên gần đây.
Theo đánh giá của giới đầu tư chứng khoán, kết quả kinh doanh “sáng” trong năm 2016 là yếu tố giúp cổ phiếu ACB tăng giá từ đầu năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là thông tin xử lý nợ xấu liên quan đến các “tồn đọng” của ngân hàng này từ thời bầu Kiên. Cụ thể, bằng cách trích lập dự phòng bổ sung thêm 800 tỷ đồng trong năm 2016, ACB đã xử lý được 3.000 tỷ đồng nợ xấu nhóm 6 công ty, vượt xa kế hoạch đặt ra đầu năm là 2.200 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, số dư nợ nhóm 6 công ty giảm xuống còn 3.934 tỷ đồng, với số dư dự phòng cho nhóm này là 2.432 tỷ đồng (chiếm 61,8% tổng dư nợ) với giá trị tài sản đảm bảo là 4.462 tỷ đồng (bằng 113% tổng dư nợ).
Theo đó, ACB dự kiến hoàn thành toàn bộ việc xử lý nợ cho 6 công ty trong năm 2017 chứ không cần phải qua 2018 như lộ trình trước đó.
Một mã cổ phiếu “vua” đáng chú ý không kém là MBB (Ngân hàng TMCP Quân Đội). Tính đến hết phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu MBB tiếp tục tăng thêm 300 đồng/CP, lên mức 15.650 đồng/CP. Tăng mạnh so với vùng giá 12.000 - 13.000 đồng/CP mà ngân hàng đạt được hồi đầu năm 2017. Đây cũng là ngân hàng được đánh giá là có chất lượng tài sản tốt cũng như chi phí vốn thấp.
Mã cổ phiếu CTG của Vietinbank. Hiện giá cổ phiếu CTG cũng đã đạt mức 18.700 đồng/CP, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2017 khi mã cổ phiếu này chỉ xoay quanh vùng giá 15.000 - 17.000 đồng/CP. Nguyên nhân khiến CTG tăng mạnh từ đầu năm đến nay có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh được đánh giá là tốt nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, kết thúc năm 2016, VietinBank đã vươn lên vị trí số 1 toàn hệ thống với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 8.530 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.
Một loạt các mã cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng khá nhiều trong những phiên giao dịch gần đây. Chẳng hạn, BID (BIDV) tại phiên giao dịch hôm nay cũng đạt 17.700 đồng/CP, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2017 khi BID chỉ xoay quanh vùng giá 14.200 – 16.000 đồng/CP.
Đặc biệt, STB (Sacombank) lại là mã gây chú ý khi có tới 5 phiên tăng liên tiếp, từ mức giá 10.300 đồng/CP đến nay giá trị STB đã tăng tới 11.650 đồng/CP. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu STB khiến nhà đầu tư khá bất ngờ khi tăng từ vùng giá 8.000-9.000 đồng/CP đến mức giá 11.650 đồng/CP như hiện tại.
Ở chiều ngược lại, hai mã cổ phiếu VCB (Vietcombank) và EIB (Eximbank) lại giảm nhẹ. Cụ thể, VCB giảm 100 đồng/CP so với phiên giao dịch trước, đạt 38.150 đồng/CP. Tương tự, EIB cũng giảm 200 đồng/CP so với phiên trước, đạt 12.100 đồng/CP; tuy nhiên nếu so với thời điểm đầu năm 2017 thì EIB vẫn tăng khá mạnh, từ cùng giá 9.000 đồng/CP lên mức giá trên 12.000 đồng/CP như thời điểm hiện tại.
Giải thích lý do các cổ phiếu “vua’ đang có đà tăng trở lại thời gian gần đây, đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng, ngoài yếu tố kinh doanh tích cực, giải quyết nợ xấu đang có chiều hướng tốt thì một yếu tố không kém phần quan trọng là thông tin có thể sẽ nới room ngoại tăng hơn so với mức 30% hiện tại. Điều này khiến cho dòng tiền đang dần đổ vào các mã cổ phiếu này giúp cho thị trường xuất hiện làn sóng tăng mạnh trong thời gian gần đây.