Chốt phiên giao dịch cuối tuần, ngày 24.3, chỉ số VN-Index vượt qua mốc 720 điểm và chinh phục đỉnh mới sau hơn 1 tháng đi ngang dưới ngưỡng này. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, CTG, BID, NVL, VNM là động lực quan trọng giúp chỉ số VN-Index chinh phục đỉnh mới trong bối cảnh thị trường có sự phân hóa mạnh do áp lực chốt lời.
Diễn biến chính của thị trường trong phiên là sự giằng co giữa bên bán và bên mua, các cổ phiếu trên thị trường đa phần đều biến động trong biên độ hẹp và khá hiếm những mã tăng mạnh. Thanh khoản tiếp tục giữ ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt xấp xỉ 5.400 tỷ đồng.
Dòng tiền vẫn đi vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản như những phiên gần đây, tuy nhiên ở cuối phiên giao dịch, các nhóm cổ phiếu dầu khí bắt đầu xuất hiện dòng tiền vào tương đối mạnh.
Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tích cực trên cả hai sàn, giá trị mua ròng trên sàn HOSE là 178 tỷ đồng và của HNX là 16,2 tỷ đồng. VNM, HPG, VJC, VIC, CTD là những cổ phiếu được mua ròng tích cực nhất, trong khi PVD và VCB là hai mã bị bán ròng mạnh.
VNM là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 68,71 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch, VNM tăng 1.500 đồng (1,1%) lên 141.700 đồng và điều này đã hỗ trợ không nhỏ cho đà tăng của thị trường chung.
Top 5 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên còn có HPG (44,21 tỷ đồng), VJC (38,2 tỷ đồng), VIC (29,14 tỷ đồng), CTD (24,96 tỷ đồng).
Mặc dù các cổ phiếu dầu khí có đóng góp lớn trong việc giúp chỉ số VN-Index vượt đỉnh trong phiên hôm nay, tuy nhiên nhóm dẫn dắt thị trường ở thời điểm hiện tại vẫn là các cổ phiếu ngân hàng.
Khác với sóng tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2015 khi mà các cổ phiếu của các NHTM cổ phần quốc doanh là tâm điểm của sự chú ý thì ở hiện tại, các cổ phiếu của các NHTM cổ phần tư nhân đang là nhóm gây được nhiều sự chú ý hơn cả. Tuy nhiên, ở từng ngân hàng đang là những câu chuyện khác nhau.
Với ACB, ngân hàng này đã bước sang một trang mới sau quãng thời gian giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan tới bầu Kiên. ACB được kỳ vọng là sẽ có sự tăng trưởng về lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2017 và đặc biệt là năm 2018 với mức dự phóng lần lượt là 21,5% và 92,1% so với cùng kỳ.
Trong khi đó với STB và EIB, câu chuyện tái cơ cấu vẫn đang dang dở, cả hai ngân hàng này đều cần cú hích thực sự để thực hiện tái cơ cấu và việc này có thể bắt đầu từ việc thay đổi chủ sở hữu.
Về cổ phiếu nông nghiệp, hai cổ phiếu Bầu Đức là HAG, HNG đã chững lại đà tăng sau chuỗi phiên tăng mạnh. Kết thúc giao dịch, HAG giảm 2,0%, HNG đóng cửa tại tham chiếu.
Theo tin từ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), HAG không thực hiện chuyển đổi 20 triệu cổ phiếu HNG cho Temasek như đã đăng ký vì đang chờ hướng dẫn của UBCKNN về thủ tục chuyển quyền sở hữu cổ phiếu. Như vậy, HAGL vẫn đang nắm giữ 540,46 triệu cổ phiếu HNG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 70,45% cổ phần tại doanh nghiệp này.
Nhóm cổ phiếu phân bón, cao su giảm điểm: PHR (-4,3%), TRC (-4,1%), DCM (-3,2%), DPM (-0.2%), BFC (-1,1%).