Ca khúc "Màu hoa đỏ" của nhạc sĩ Thuận Yến mới đây đã bị Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang cấm lưu hành, vụ việc này đã làm dư luận "sục sôi" bức xúc bởi đây là một ca khúc nổi tiếng, khắc ghi trong lòng nhiều người lính để nhớ về một thời kỳ rực lửa của dân tộc.
Ngay sau khi vụ việc được báo chí đưa tin, Cục Nghệ thuật biểu diễn vào cuộc, dư luận bức xúc, lãnh đạo Sở VHTTDL Tiền Giang đã phải ký công văn thu hồi văn bản cấm lưu hành "Màu hoa đỏ". Trả lời trước dư luận, ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang cho biết lý do cấm lưu hành ca khúc "Màu hoa đỏ": "Ở bài hát này do nhà sản xuất làm phần hình ảnh chưa đạt yêu cầu, có đưa vào danh sách nhưng chúng tôi nói chưa rõ làm cho ở cơ sở và dư luận nghĩ là Sở cấm bài hát này nhưng thật ra chúng tôi không có ý định đó".
Ông Nguyễn Đức Đảm - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang (Ảnh: VOV)
Thế nhưng, có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng đây là một sự "chống chế" cho sai sót của Sở VHTTDL Tiền Giang. Nhiều bằng chứng cho thấy, việc cấm lưu hành ca khúc "Màu hoa đỏ" phải chăng chính là một "tai nạn" tới từ sự tắc trách trong công tác quản lý cũng như ban hành văn bản của Sở này.
Danh sách cấm trùng khớp với danh sách của một cuộc thi Bolero trên mạng
Trong danh mục 354 bài hát mà Sở VHTTDL Tiền Giang xếp vào danh mục “không được lưu hành và cấm phổ biến” có 21 bài hát đã được phép phổ biến trên toàn quốc, trong đó có bài “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu. Thế nhưng danh sách mà Sở cung cấp vô tình lại giống hệt với danh sách các bài hát bị cấm trong cuộc thi "Solo cùng Bolero" xuất hiện từ ngày 28.10. 2014 trên mạng.
Văn bản có danh sách các ca khúc bị cấm, trong đó có "Màu hoa đỏ" của nhạc sĩ Thuận Yến do Sở VHTTDL Tiền Giang ban hành
Danh sách các bài hát không được chấp nhận tại một cuộc thi Bolero công bố trên mạng từ năm 2014
Nhìn vào hai danh sách, có thể dễ dàng nhận thấy cả hai danh sách đều có số thứ tự giống nhau, cùng được viết in hoa. Trong danh sách cấm của cuộc thi Bolero, có tổng cộng 297 bài hát không được phép tham gia cuộc thi, ca khúc "Màu hoa đỏ" ở vị trí số 152 tới 154 "vô tình" trùng vị trí với danh sách các ca khúc cấm lưu hành do Sở VHTTDL Tiền Giang ban hành.
Trao đổi với báo chí, Bà Hồ Hoàng Khánh Vy, đại diện truyền thông của Khang Media - đơn vị sản xuất chương trình "Solo cùng Bolero", cho biết: "Bài đăng này trước đây do một bạn cộng tác viên phụ trách đăng tải nên tôi không ấn tượng lắm. Tôi nghĩ đây là danh sách được bạn sưu tầm trên mạng thôi".
Hình ảnh của clip karaoke ca khúc "Màu hoa đỏ" hoàn toàn bình thường
Hiện nay các quán karaoke khi lắp đặt hệ thống âm thanh, đều thuê các chủ đầu tư nhận thầu để cài đặt phần ca khúc. Các ca khúc này được lưu hành hàng loạt và đã được kiểm duyệt trước khi cài đặt. Ca khúc "Màu hoa đỏ" có đoạn clip minh họa hoàn toàn bình thường, không có hiện tượng "Phần hình ảnh chưa đạt yêu cầu" như ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang chia sẻ.
Ca khúc "Màu hoa đỏ" có phần hình ảnh rất phù hợp với nội dung, lời bài hát
Những hình ảnh hoàn toàn bình thường được cắt ra từ clip "Màu hoa đỏ" đang lưu hành phổ biến tại các quán karaoke
Như vậy, phải chăng danh sách của Sở VHTTDL Tiền Giang đã copy từ danh sách của cuộc thi Bolero trên mạng. Chính vì thế, mới có việc ca khúc "Màu hoa đỏ" đã vô tình lọt vào danh sách cấm này đúng theo kiểu "lỗi đánh máy".
Nếu điều đó là thực, thì hơi buồn cho những người làm văn hóa bởi khi sự việc bị phát hiện, những người có liên quan không những không nhận trách nhiệm về sai sót của mình tới từ sự cẩu thả trong khâu tham mưu, duyệt văn bản, mà lại "đổ thừa" cho việc hình ảnh đi kèm với clip ca khúc "Màu hoa đỏ" chưa phù hợp với nội dung.