Dân Việt

Nguy cơ mất nhiều thị trường lao động - Bài 2

13/09/2011 15:24 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu không có giải pháp quyết liệt, việc bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp của lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ trở thành căn bệnh kinh niên khó chữa.

Nhiều tiền lệ...

Ngoài thị trường Hàn Quốc, nhiều thị trường lao động khác cũng xuất hiện người lao động VN cư trú và làm việc bất hợp pháp. Theo ông Trịnh Vinh Quang - Tham tán công sứ tại Malaysia, đã có 13.515 lao động VN cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Malaysia.

img
Một đoàn lao động chuẩn bị sang Malaysia làm việc. Ảnh chụp tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.

Hiện Chính phủ nước này đang có chiến dịch khuyến khích lao động bất hợp pháp ra trình diện và đăng ký chương trình ân xá. Lao động nào không ra trình diện, sau thời gian quy định sẽ bị truy nã, bắt, phạt và trục xuất theo luật pháp Malaysia.

Chị Nguyễn Thị Đào, quê xã Cẩm Định (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), hiện đang làm việc cho Công ty Chang Shoes (khu Tanma Jaya Mas, bang Johor). cho biết, lao động cư trú bất hợp pháp ở Malaysia chủ yếu là lao động làm ở các công ty làm ăn èo uột, ít việc, lương không đủ sống nên bỏ ra ngoài. Tuy nhiên, hộ chiếu và giấy tờ của họ đã bị công ty đó giữ nên “về cũng dở, ở không xong”.

Thị trường Đài Loan cũng có khá nhiều lao động cư trú bất hợp pháp. Chị Nguyễn Thị Lan (Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội) đã ở Đài Loan làm giúp việc gia đình 6 năm cho hay: “Sang làm việc được 1 năm thì tôi trốn ra ngoài vì lương quá thấp, bị trừ phí dịch vụ, phí môi giới cao”.

Tuy nhiên, cả chị Đào lẫn chị Lan đều cho rằng, cư trú bất hợp pháp rất nguy hiểm, lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt, bị trấn lột, cướp, bị chủ quỵt tiền. Thế nhưng, nói tới chuyện về thì các chị vẫn nấn ná vì “công việc đang ổn định”.

Cần các biện pháp “rắn”

Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, với những thị trường lao động có nhiều lao động bỏ trốn như Nhật Bản, Đài Loan… Cục đã áp dụng các biện pháp như thay đổi cách thức tuyển chọn lao động trong ngành nghề; yêu cầu lao động đặt cọc trước khi đi; siết chặt việc làm hồ sơ khám sức khỏe; gia đình và chính quyền phải có trách nhiệm đưa người thân đang bỏ trốn về nước...

Với thực trạng ở Hàn Quốc, Cục cũng đã “xử rắn” bằng biện pháp dừng tuyển lao động ở các xã có số người bỏ trốn cao (NTNN số 218/2011). Số người đã hoàn thiện thủ tục mà chưa đi được sẽ tạo sức ép để lao động bỏ trốn trở về.

Về mặt pháp luật, các nước nhận lao động VN cũng có những chế tài xử phạt nặng. Chẳng hạn, theo quy định của Hàn Quốc, người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Quy định của VN cũng đưa ra mức xử phạt cao nhất là 5 triệu đồng với lao động bỏ trốn, trục xuất về nước và cấm đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, nhìn từ phía người lao động, hầu hết đều cho rằng, các doanh nghiệp cần đảm bảo các điều kiện công việc, lương và khấu trừ dịch vụ hợp lý. Nếu chế tài “rắn” thì cần phải “rắn” cả với doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng với lao động.