Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, kỹ sư nuôi trồng thủy sản, đại diện TTKN và nông dân nuôi cá nước ngọt từ 7 tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Hướng tới sản phẩm an toàn, chất lượng
Chuyên gia hướng dẫn tại thực địa cho người nuôi cá. Ảnh: T.T
"Hôm nay chúng tôi học được quá nhiều kinh nghiệm từ cách chọn giống thế nào đến quy trình cải tạo ao nuôi trước khi thả sao cho đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là cách phòng tránh và xử lý khi cá mắc phải dịch bệnh. Sau hôm nay, tôi và gia đình sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích nuôi cá”. Chị Phan Thị Thủy |
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên, tỉnh hiện có 7.155ha diện tích mặt nước ao, hồ, ruộng, trong đó có 2.140ha ao, 4.015ha hồ chứa và khoảng 1.000ha ruộng kết hợp cấy lúa với nuôi thủy sản. Ngoài ra, còn 12.000ha mặt nước các sông suối, có khả năng nuôi lồng, nuôi eo ngách, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Năm 2016, diện tích mặt nước đưa vào sản xuất là 5.841ha, sản lượng thủy sản đạt gần 9.400 tấn. Thái Nguyên dự kiến đến năm 2020, sẽ đưa gần 6.900ha diện tích mặt nước vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, phấn đấu đạt sản lượng thủy sản thương phẩm 15.400 tấn, hướng sản phẩm tới chất lượng cao và an toàn thực phẩm.
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG cho biết: Nuôi cá nước ngọt đang là mô hình chăn nuôi giúp nhiều nông dân không những thoát nghèo mà còn làm giàu bền vững. Với đặc thù sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều địa phương trên cả nước có thế mạnh tự nhiên để phát triển ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi cá nước ngọt. Nhiều giống cá chất lượng như trôi, trắm, chép, rô phi đơn tính phù hợp với môi trường nước ngọt đã được đưa vào nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, theo ông Tiêu, trong quá trình nuôi, người nuôi cá gặp phải không ít các dịch bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, khiến bà con rất hoang mang. Đó là do thiếu kinh nghiệm trong việc chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh ao… Với mong muốn giúp nông dân khắc phục tình trạng trên, yên tâm lực chọn đầu tư cho mô hình nuôi cá, TTKNQG tổ chức buổi tọa đàm để giúp nông dân có thêm kinh nghiệm áp dụng vào việc nuôi trồng, không chỉ đem lại sản lượng cao mà còn hướng tới chất lượng và sự an toàn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Đủ tự tin để mở rộng diện tích
Để đạt hiệu quả tối ưu nhất, lần đầu tiên TTKNQG đã tổ chức hình thức tọa đàm này, thay cho việc trao đổi, hỏi đáp đơn thuần trên hội trường. Tại đây, nông dân được tham gia với hình thức vừa hỏi đáp trên hội trường, vừa được nghe- quan sát- trả lời trực tiếp thắc mắc; xem chuyên gia thao tác, trình diễn về cách chọn giống, chỉ ra biểu hiện dịch bệnh... ngay tại các lồng cá của Xí nghiệp Thuỷ sản Hồ Núi Cốc. Đặc biệt các chuyên gia còn trực tiếp thao tác mổ cá để phân tích về cách nhận biết bệnh, hướng dẫn cách chọn giống…
Mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP tại Hải Phòng. Ảnh: Internet
Hàng chục câu hỏi được giải đáp, chia sẻ tại đây như: Kinh nghiệm về quy trình cải tạo ao nuôi trước khi thả cá; kỹ thuật chọn và thả cá giống, mật độ thả, cách chăm sóc, quản lý và phòng, trị bệnh cho cá; các loại bệnh thường gặp trên cá nước ngọt và cách điều trị. Các chuyên gia đã hướng dẫn bà con cách lưu mẫu bệnh phẩm gửi đến các cơ quan chức năng chẩn đoán bệnh để chữa trị kịp thời cho cá; các loại thuốc và hóa chất thường dùng trong nuôi trồng thủy sản; các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản...
Đủ tự tin để mở rộng diện tích nuôi thả- đó là chia sẻ của hầu hết nông dân tham dự buổi tọa đàm. Vừa cầm bút ghi chép lại những giải đáp của chuyên gia, chị Phan Thị Thủy ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang hồ hởi: Hướng dẫn trực tiếp thế này dễ hiểu lắm. Hôm nay chúng tôi học được quá nhiều kinh nghiệm từ cách chọn giống thế nào đến quy trình cải tạo ao nuôi trước khi thả sao cho đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là cách phòng tránh và xử lý khi cá mắc phải dịch bệnh. Sau hôm nay về, tôi và gia đình sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích nuôi cá.
Anh Thái Cương - Giám đốc một công ty nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) chia sẻ: Được hướng dẫn trực tiếp ngay tại thực địa nên chúng tôi học được rất nhiều kinh nghiệm thực tế. Tôi sẽ truyền đạt lại những kinh nghiệm cho các kỹ thuật viên của công ty để tăng năng suất nuôi thả. Mong TTKNQG tổ chức nhiều buổi tọa đàm thế này cho bà con các vùng miền áp dụng.