Dân Việt

Xẻ thịt mèo đăng Facebook: Tổ chức Động vật châu Á lên tiếng

Diệu Thu 27/03/2017 21:46 GMT+7
Việc hồn nhiên săn bắt và giết hại, tiêu thụ động vật hoang dã nói riêng, và những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phản biện bằng lý do “không biết” do vậy không thể xử lý mạnh tay là không thuyết phục.

img

Những hình ảnh được cho là một nhóm thanh niên đã bắt và xẻ thịt một con mèo quý hiếm

Nhiều ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao về thông tin được cho là một nhóm thanh niên tại Việt Nam bắt được một con mèo lạ và đã cắt tiết, xẻ thịt rồi ngang nhiên khoe "chiến công" trên mạng xã hội Facebook.  

Theo cộng đồng mạng, con mèo này có lông như loài báo và được nhận định là giống mèo Ashera trị giá hàng tỉ đồng.

Còn TS. Nguyễn Hữu Trí - Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, qua những bức ảnh chụp có thể thấy đó không phải là mèo Ashera như người ta nói, mà là mèo báo hay còn có tên khoa học là Felis bengalensis. Loài mèo này thuộc bộ ăn thịt và họ mèo Felidae, rất quý hiếm.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tam Thanh, Cán bộ Phúc lợi Động vật, Tổ chức Động vật Châu Á.

Dù pháp luật đã nghiêm cấm giết hại động vật hoang dã nhưng động vật quý hiếm vẫn bị cắt tiết, xẻ thịt. Vậy làm thế nào để ngăn chặn hành vi này?

Việc bắt và giết hại động vật hoang dã rồi xẻ thịt là một hành vi man rợ, rất khó chấp nhận.

Để ngăn chặn những hành vi giết hại động vật hoang dã, theo chúng tôi, cần cải thiện việc thực thi pháp luật bằng cách xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm mỗi khi phát hiện; Kết hợp với tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, qua nhà trường, các tổ chức địa phương, qua các kênh thông tin, truyền thông… và cần phải tăng mức hình phạt (cả bằng tiền và thời gian phạt tù) nhằm tăng tính răn đe.

Thực tế, có người khi bắt được những loài động vật này còn không biết là động vật quý hiếm, nên họ hồn nhiên giết mổ, pháp luật không xử mạnh tay được?

Việc hồn nhiên săn bắt và giết hại, tiêu thụ động vật hoang dã nói riêng, và những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phản biện bằng lý do “không biết” do vậy không thể xử lý mạnh tay là không thuyết phục.

Pháp luật xây dựng các khung hình phạt dựa trên hậu quả gây ra do một hành vi vi phạm gây ra. Ngoài ra, việc xử phạt nghiêm minh, với mức hình phạt cao cho những hành vi vi phạm pháp luật mới tăng cường tính răn đe, ngăn chặn, lặp lại những hành vi tương tự trong xã hội.

Do vậy, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền về bảo vệ động vật, và các quy định pháp luật, chúng tôi cho rằng cần tăng mức hình phạt, và cần xử phạt nghiêm minh.

Có ý kiến cho rằng, ăn thịt động vật quý hiếm sẽ tăng cường sức khỏe hoặc thể hiện đẳng cấp. Vậy phải làm sao để “cấm cửa” suy nghĩ đó, thưa ông?

Những suy nghĩ cho rằng ăn thịt một số động vật hoang dã có tác dụng tăng cường sức khỏe, hay thể hiện đẳng cấp thì chỉ là suy nghĩ của một tỉ lệ thiểu số những người suy nghĩ ích kỷ và thiểu hiểu biết trong xã hội.

Những suy nghĩ và hành vi này cũng có thể được giảm thiểu qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, nghiêm túc trong công tác xử phạt, thực thi pháp luật.

Qua nghiên cứu, ông thấy các nước trên thế giới ứng xử thế nào với động vật nói chung và động vật hoang dã nói riêng?

Đa số các quốc gia trên thế giới đều có luật bảo vệ động vật hoang dã. Họ có những quy định nghiêm ngặt và có hình phạt nặng (phạt tiền và phạt tù).

Trong khi đó, tại Việt Nam, những hành vi vi phạm liên quan tới bảo vệ động vật hoang dã xuất hiện khá nhiều và chưa được theo dõi xử phạt thích đáng. Các hình thức xử phạt chưa mang tính răn đe cao.

Rất nhiều nước trên thế giới có luật và quy định về phúc lợi động vật (quy định về đối xử nhân đạo và có trách nhiệm đối với động vật). Họ có các quy định luật  chung về đối xử với động vật, và có quy định riêng cho các nhóm động vật khác nhau, như vật nuôi (chó, mèo), động vật trang trại, động vật hoang dã, động vật phục vụ trưng bày, thí nghiệm… Trong khi đó, Việt Nam chưa có những quy định, luật này.

Xin chân thành cảm ơn ông!