Phương pháp này còn ngăn chặn thú rừng vào phá hoại những vườn sâm có giá trị tiền tỷ.
Vũ khí thời chiến
Dãy núi Ngọc Linh cao nhất miền Trung có loại sâm cùng tên quý giá. Từ xa xưa đồng bào dân tộc Xê Đăng sống quanh ngọn núi biết dùng sâm để chữa bệnh. Họ gọi đó là “thuốc dấu”. Những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, người Xê Đăng thường dùng sâm Ngọc Linh điều trị vết thương, sốt rét… cho bộ đội.
Người dân cắm chông chống trộm sâm Ngọc Linh
Năm 1973, dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đi tìm và nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh cho bộ đội. Sau cả năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây mà người dân vẫn dùng để trị bách bệnh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh phía Quảng Nam có công hiệu nhất.
Sau đó, ông Long đặt tên cho loại cây này là sâm Ngọc Linh, hay sâm K5. Từ đó, sâm Ngọc Linh được biết đến và phổ biến rộng rãi. Người dân Xê Đăng đi thu hái về bán và sử dụng khiến sâm trong tự nhiên cạn kiệt, người dân chuyển qua gieo trồng.
Phương pháp này giống ngoài tự nhiên, dưới những tán cây cổ thụ, bà con đem cây giống thả xuống. Ít nhất 4 năm sau, người dân thu hoạch, nếu để lâu năm giá trị kinh tế đem lại rất cao. Hiện sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, loại rẻ nhất được bán từ 30 - 40 triệu đồng/kg, sâm nhiều năm tuổi có giá lên tới vài trăm triệu đồng một cân.
Ông Hồ Văn Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, cho biết, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn xã xảy ra 7 vụ trộm sâm Ngọc Linh gây thiệt hại lớn. “Để ngăn chặn tình trạng mất trộm sâm, người dân Xê Đăng có những cách làm riêng của mình. Họ áp dụng phương pháp truyền thống là cắm bẫy chông và rào lưới B40 quanh vườn sâm”, ông Thể bộc bạch.
Tre, nứa vót nhọn được cắm dày đặc, sau đó dùng lá cây phủ lên ngụy trang
Tất cả các vườn trồng sâm, người dân dựng một lưới B40 vây quanh, sau đó có cả ngàn cây chông được cắm dày đặc phía ngoài lẫn phía trong hàng rào. Có nhiều hộ dân đào hố sâu rồi cắm chông phía dưới đáy. Tất cả chông được dùng là tre, nứa vót ngọn, sau đó dùng lá cây khô phủ lên ngụy trang.
“Việc làm bẫy ngăn chặn được người đột nhập vào vườn sâm nhổ trộm, còn ngăn ngừa những con thú lớn như, lợn rừng, nai… vào phá sâm. Trong các cuộc chiến tranh người Xê Đăng cắm bẫy chông ngăn chặn quân thù tiến vào làng. Đây là loại vũ khí được cha ông sử dụng nay áp dụng để bảo vệ những vườn sâm có giá trị tiền tỷ”, ông Thể cho hay.
Mặc dù bẫy được hình thành nhưng tình trạng mất trộm sâm vẫn diễn ra, gần đây rất nhiều hộ dân đầu tư cả chục triệu đồng lắp máy chống trộm. Giữa núi rừng, tuốc-bin nước lắp ở các con suối để cung cấp điện cho máy hoạt động. Các lối mòn giữa rừng sâu, máy chống trộm treo trên cây.
Những chiếc bẫy chuột người dân đặt quanh vườn sâm
Khi chúng tôi bước vào cổng Trại sâm gốc Tắc Ngo (Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My), còi hú vang. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, trưởng trại cho biết, ngoài lớp lưới sắt B40 bảo vệ, trại lắp thêm máy báo động.
“Mỗi khi có người xuất hiện hoặc thú rừng đi qua thì hệ thống phát ra tín hiệu cảnh báo nên dễ nhận biết. Bằng công nghệ này trong mấy năm qua ở trại chưa xảy ra một lần mất trộm sâm”, anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn cho biết, mặc dù có máy báo động nhưng quanh trại sâm bẫy chông được cắm rất nhiều. “Có mấy anh em làm ở trại là người dân bản địa nên biết cách làm và cắm chông. Do đó khi di chuyển trong vườn sâm phải cẩn thận, nếu dính bẫy bị chông đâm thủng chân, sát thương rất lớn. Ở Trà Linh gia đình nào trồng sâm trên núi cao đều cắm chông, có nhiều gia đình đầu tư mua sắm máy chống trộm”, anh Tuấn nói.
Bắt chuột làm thức ăn
Anh Hồ Văn Toán, nhân viên trại sâm giống Tắc Ngo chia sẻ, ngoài việc mất trộm, chuột cắn phá sâm Ngọc Linh nhiều. Chuột phá củ, hoa gây thiệt hại lớn. Có những vườn sâm chuột “xơi” gần hết.
Máy cảnh báo tự động lắp đặt ở vườn sâm
“Một cây sâm trồng nhiều năm mới có được nhưng chuột cắn phá gây thiệt hại cả mấy triệu đồng/củ. Đặc biệt hoa và hạt sâm dùng để nhân giống đều bị ăn thì mất đi nguồn cây giống”, anh Toán cho biết.
Để tiêu diệt loài gặm nhấm này, người dân Xê Đăng ở xã Trà Linh làm những bẫy chuột rất đơn giản. Quanh vườn sâm ở những hốc đá, gốc cây chuột hay lưu trú, người dân gài bẫy. Chuột đi qua vướng vào bẫy bị đá rơi xuống đè chết.
Ông Hồ Văn Du, một người trồng sâm nhiều nhất xã Trà Linh cho hay, trên đỉnh núi cây cổ thụ nhiều vô kể, thảm thực vật dày đặc tạo điều kiện chuột trú ngụ và sinh trưởng. Hàng năm, rất nhiều diện tích sâm của ông bị chuột cắn phá, cũng như bà con, ông đặt cả trăm bẫy để bắt chúng.
Những con chuột sập bẫy và người dân sử dụng làm thức ăn
“Những con chuột ăn sâm người mập ú, bộ lông vàng óng, có con nặng gần 1kg. Sống ở núi môi trường rất sạch nên mỗi khi bắt được chúng tôi sẽ chế biến làm thức ăn. Đây là món ăn ưa chuộng của người dân tộc Xê Đăng”, ông Du bày tỏ.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, trong năm 2016 trên địa bàn huyện không xảy ra một vụ trộm sâm, bởi công tác an ninh được tăng cường. Bên cạnh đó, người dân liên kết trồng sâm với mỗi nhóm 5 - 10 hộ. Bà con phân chia lịch trực để bảo vệ vườn sâm suốt ngày đêm.
“Chúng tôi đang nghiên cứu những phương pháp chống trộm hiệu quả nhất đưa vào áp dụng. Chắc chắn an ninh cho vườn sâm Ngọc Linh được bảo vệ an toàn”, ông Bửu khẳng định.
Sâm Ngọc Linh đem lại giá trị rất cao
Những vườn sâm Ngọc Linh trồng trên đỉnh núi cao nhất miền Trung
Năm 2015, tỉnh Quảng Nam trình Chính phủ về sự cần thiết của việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030. Đề án này nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Đề án được chia ra làm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.
Tháng 9.2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam lựa chọn danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án thuộc đề án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh Quảng Nam.
Trong đó ưu tiên đầu tư vào các nội dung thiết yếu không có khả năng xã hội hóa, gửi Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định theo quy định. Đồng thời các Bộ khác theo chức năng và nhiệm vụ được giao hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Quảng Nam trong quá trình hoàn thiện và triển khai thực hiện đề án.