Dân Việt

Đệ nhất cao thủ diệt “giặc” đồng

Thu Thủy 01/04/2017 18:45 GMT+7
Ông Nguyễn Văn Ngưu ở xóm 5, thôn Tràng Duệ, huyện An Dương, (TP Hải Phòng) được nhiều nông dân biết đến như một vị cứu tinh của những cánh đồng.

Mối thù với chuột

Chẳng hiểu từ đâu, quê ông bỗng lại xuất hiện nhiều chuột đến thế.  Trồng cây gì chúng cũng phá phách, gậm nhấm xơ xác, tiêu điều. Người dân đã dùng tất cả các biện pháp từ thủ công đến hiện đại như quây lưới, giăng điện, đánh bả mồi, dùng thuốc diệt chuột… nhưng tất cả đều không có tác dụng. Chuột vẫn sinh sôi như thường, năng suất cây trồng thấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Dân làng ngao ngán bỏ ruộng, bỏ làng đi ra phố làm thuê, làm mướn, thả cho lũ chuột làm mưa làm gió trên đồng.

img

Hằng ngày ông Ngưu đi đặt bãy và thu lượm chuột đem chôn 

Không chịu bó tay, ông Ngưu ở lại làng trăn trở, suy tính, quyết tâm phải tìm ra cách tiêu diệt chúng. Đi đến đâu ông cũng hỏi xem ai có biện pháp gì khắc phục để làm theo, nhưng đâu đâu cũng thế cả.

Cơ duyên thay, ông được biết đến một ông thầy diệt chuột ở Thái Bình, rồi lân la học hỏi kinh nghiệm của họ mang về nghiên cứu sáng tạo thêm. Cuối cùng, ông quyết định dừng chân ở việc đánh chuột bằng bẫy bán nguyệt.

Chuột có một đặc điểm rất riêng là đi về cùng một đường. Con đầu tiên cắn ở ruộng nào, con tiếp theo cũng đến đúng ruộng đó để cắn. Chúng hoạt động từ chập tối đến 21 giờ và tiếp tục hành trình từ 3 giờ đến 5giờ hằng ngày. Ông cũng phân chuột thành 3 loại và đo được tốc độ di chuyển của từng loại.

Chuột cũng là loài có sức sinh sản ghê gớm. Chuột cái sinh sản ít nhất là 3 con và nhiều nhất là 13 con/lứa. Chuột mẹ chỉ chửa 21 ngày, chuột con mới 40 ngày tuổi đã có thể sinh sản lứa sau. Con mẹ đẻ được 3 lứa con thì đàn con của nó cũng đẻ được 1 lứa. Chuột bà đẻ được 5-6 lứa thì chuột cháu cũng đẻ được 2-3 lứa. Vì vậy, muốn diệt chuột phải tìm đúng thời điểm chúng phát dục. Tuy nhiên, trong thời kỳ phát dục, chuột cái thường không ăn mồi lạ nên dù đặt bẫy có mồi vẫn không thể nào bắt được.

Bằng mắt quan sát và óc phán đoán, nghiên cứu kỹ lối đi của chuột để đặt bẫy, diện tích ruộng rộng thì đặt nhiều, ruộng hẹp thì đặt thưa. Ông Ngưu  đưa bẫy vào thực nghiệm trên những thửa ruộng của nhà và của dân trong làng. Kết quả cho thấy tỉ lệ chuột dính bẫy cao. Tin lành đã đồn xa, nhiều làng khác lũ lượt đến mời ông cứu giúp. Có nhà ruộng rau bắp cải bị chuột gặm gần một nửa ruộng, ông đánh bẫy liền 3 ngày là hết hẳn.

Ông bẫy cho cả cánh đồng, chuột bắt đầu vãn dần, niềm vui cứ thế tăng lên, ông đi bẫy chuột có khi quên cả thời gian. Bắt đầu cứ 2-3 giờ chiều là ông xách bẫy ra đồng, tự tay tỉ mẩn đặt từng chiếc bẫy, ông khoét một cái lỗ nhỏ dưới đất sao cho miệng nó vừa vặn với bàn để mồi. Sau đó đặt bẫy chìm hẳn xuống mặt đất chỉ để lộ vị trí rắc thóc hay khoai lang, khi chuột lên bàn để mồi ăn thì cái lỗ ông tạo ra ấy sẽ lún xuống và bẫy sập vào chuột.

Ruộng nào chuột phá nhiều thì đặt khoảng ba chục bẫy, ruộng lớn hơn phải đặt tới cả trăm bẫy tùy theo. Để chuột không tha  bẫy đi lung tung, ông Ngưu làm động tác cắm một cây dóc bên cạnh nối với sợi dây để ghìm bẫy lại. Khoảng 5- 7 giờ sáng hôm sau ông Ngưu đi gỡ bẫy, mang chuột về chôn lấp.

Cái duyên tạo nên cái nghề

Cho đến nay, ông Ngưu đã gắn bó với cái bẫy hình bán nguyệt này trên 20 năm, diệt không biết bao nhiêu con chuột, cứu không biết bao nhiêu mẫu lúa, mẫu cây hoa màu. Ngày nắng cũng như ngày mưa lúc nào cũng thấy ông Ngưu ở ngoài đồng.

Hàng trăm héc ta ruộng của các xã lân cận cũng được ông cứu giúp. Nông dân được mùa phấn khởi trả tiền công, biếu xén quà cáp. Ông không đặt ra một cái giá nào cho việc giúp dân diệt chuột, vì lợi ích chung nên ai cũng yêu, cũng quý. Sợ đánh không xuể ông còn hướng dẫn nhiều người tự đánh cho nhà mình, công việc đơn giản nhưng ít người thực hành được hiệu quả, vẫn chỉ có ông mới là “sát thủ”của chuột.

img

Ông Ngưu hướng dẫn cách đặt bẫy bán nguyệt

 Một ngày ông Ngưu đặt được khoảng 150 bẫy, sáng nào đi thu chuột ông cũng được nhìn những con chuột dính bẫy nằm phơi bụng trắng bốp khắp đồng, con thì nằm sấp, con thì nằm nghiêng, nằm ngửa, con thì cắm đầu xuống đất, ông nhón chân xuống ruộng gỡ ra. Mỗi lần thu bẫy về ông lại phải tỉ mẩn đem ngâm, rửa bẫy sạch sẽ để không còn mùi hôi, nếu không lũ chuột tinh quái phát hiện ra mùi lạ chúng sẽ lỉnh đi.

Làm nghề có thâm niên nhiều năm, ông Ngưu nhớ nhất một kỷ niệm là có lần ông bẫy được một con chuột to gần 3kg ở khu gần trại nuôi gà. Con chuột khủng khiếp này dính bẫy nhưng chưa chết nó gầm gừ, dữ tợn tấn công khiến ông cũng phát hoảng. Ông dùng que to đánh lại nó một hồi nó mới chết, lần đó về ông ốm mất mấy ngày liền.

Không chỉ diệt chuột trên đồng, ông còn "trả lại sự bình yên" cho rất nhiều trang trại, gia trại, nhà hàng, khách sạn, các cơ quan, xí nghiệp ...bị chuột phá. Từ ngày có ông Ngưu, anh em họ nhà “tý” vãn dần, nông dân yên tâm trở lại canh tác, không còn cảnh bỏ ruộng hoang như nhiều năm trước.